Bình Thuận nhiều giáo viên, phụ huynh bức xúc vì đề và đáp án môn Văn vào 10

Trong khi chưa xác định chắc chắn câu hỏi đó thuộc dạng câu gì thì việc chấm thi môn Văn cần phải được xem xét lại để tránh làm những học sinh bị trượt oan.

Gần như các địa phương trong cả nước đã tổ chức kỳ thi vào 10 từ tháng 6 thì giữa tháng 7, học sinh tỉnh Bình Thuận mới bắt đầu thi.

Theo một số giáo viên đi chấm thi cho biết, hôm qua, ngày 14/7 trong phòng chấm thi môn Ngữ văn đã xảy ra cuộc tranh cãi quyết liệt giữa 2 phía: người ra đề, làm đáp án với một số giám khảo chấm thi về một câu hỏi.

Đề thi văn vào 10 năm học 2019-2020 đang gây tranh cãi tại Bình Thuận (Ảnh CTV)

Đề thi văn vào 10 năm học 2019-2020 đang gây tranh cãi tại Bình Thuận (Ảnh CTV)

Sau khi các bên đều đưa ra quan điểm của mình nhưng cuối cùng vẫn không thể đi đến một kết quả thuyết phục nhất.

Đáp án vẫn được giữ nguyên, nhiều giám khảo không đồng tình thì vẫn buộc phải chấm theo đáp án họ cho rằng sai.

Và đương nhiên, thầy cô cũng chẳng mất gì, chỉ có học sinh là có thể bị thiệt thòi.

Đáp án có câu hỏi gây tranh cãi (Ảnh CTV)

Đáp án có câu hỏi gây tranh cãi (Ảnh CTV)

Câu hỏi tranh cãi trong đề Ngữ văn thi vào 10 tại tỉnh Bình Thuận

Trong câu 1 của đề thi, ở phần trích 2 có yêu cầu:

“Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên {1}. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. {2}

(Trích Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long Ngữ văn 9 tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018).
d. Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào? Chỉ ra từ ngữ liên kết đó. (0.75 điểm).

e. Câu {2} Trong đoạn văn trên là câu đơn hay câu ghép? Chỉ ra các thành phần câu (0.75 điểm).

Đáp án như sau: * (0.25đ) Đây là câu đơn.
* Các thành phần của câu
- (0.25đ) Chủ ngữ: "Người con trai ấy".
- (0.25đ) Vị ngữ: "Nhưng làm cho ông nhọc quá".
Tranh cãi nảy lửa của giám khảo và nhiều giáo viên

Sau đây, chúng tôi chỉ dẫn đại diện 2 ý kiến của 2 giáo viên dạy Văn làm dẫn chứng.

Thầy Phan Dương Thy cựu giáo viên dạy Văn Trường Trung học phổ thông Đức Linh tỉnh Bình Thuận cho biết, đây chính là câu ghép.

Theo lý giải của thầy, vế "Người con trai ấy đáng yêu thật" là 1 cụm chủ vị, vế "nhưng làm cho ông ấy nhọc quá" cũng có cấu trúc là một cụm chủ vị (nhưng chủ ngữ đã bị ẩn đi).

Ai làm cho ông ấy nhọc? Anh ấy. Vậy thì quan hệ từ "nhưng" nối 2 cụm C-V là 2 vế của câu ghép.

Cụm C-V sau ẩn chủ ngữ (anh ấy) nêu ý tương phản với ý trước.
Cấu trúc câu trên như sau: (C1-V1, nhưng (ẩn chủ ngữ- V2). Có thể viết đầy đủ: "Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng (cậu ta, anh ấy, nó...) làm cho ông nhọc quá".

Thế nên thầy Thy khẳng định: “Đây là cấu trúc của câu ghép!”
Không đồng tình với cách giải thích của thầy Thy, một giáo viên dạy Văn tại thị xã La Gi lại khẳng định: “Đây chính là câu đơn!”.

Bởi vì, vế đầu: “Người con trai ấy đáng yêu thật” có một cụm chủ vị. Vế hai “nhưng làm cho ông ấy nhọc quá” chỉ là vị ngữ thứ hai vẫn thiếu mộ bộ phận chủ ngữ.

Sau từ “nhưng” thiếu thành phần chủ ngữ như (anh ấy). Từ “nhưng’ trong câu ghép sử dụng với tư cách là một quan hệ từ để nối hai vế có 2 cụm chủ vị với nhau.

Trong điều kiện đó, vế hai phải có cấu trúc tương đương với vế một. Câu trên, vế hai không có chủ ngữ nên không thể là câu ghép.

Thế nên, xét về cấu trúc, thành phần nó là câu đơn.

Giám khảo, giáo viên còn lúng túng khi xác định thành phần câu, sao bắt những đứa trẻ 15 tuổi phải làm?

Những người tranh cãi toàn là thầy cô có trình độ đại học, thạc sĩ Văn học còn chưa thể thuyết phục nhau đó là dạng câu gì?

Thế mà lại bắt những đứa trẻ chưa tới tuổi thành niên phải làm. Hóa chẳng phải chơi trò đánh đố, làm khó các em hay sao?

Hay, năng lực người ra đề, ra đáp án có vấn đề? Khi chính họ cũng không thể phân biệt rạch ròi câu đơn và câu ghép?

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cần lên tiếng để tránh nhiều học sinh bị thiệt thòi

Dù cuộc tranh luận giữa hai phía giáo viên chưa đến hồi kết. Thế nhưng đáp án câu trên là câu đơn vẫn được sử dụng để chấm.

Thầy Phan Dương Thy cho biết, khá nhiều giáo viên bức xúc với đáp án này nên có trao đổi với thầy.

Và, không chỉ xảy ra tranh luận trong giáo viên, nhiều phụ huynh cũng đã lên tiếng khi chính họ cho rằng con mình làm đúng (câu ghép) nhưng bị chấm là sai. Tự nhiên làm đúng lại bị điểm 0 câu này quả là vô lý.

Vì quyền lợi chính đáng của học sinh, thầy Thy đã trao đổi với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận.

Thế nhưng, tại thời điểm này, mọi chuyện vẫn như cũ.

Cuộc tranh luận giữa các giáo viên dạy Văn còn chưa có hồi kết thì tuyệt đối không thể lấy một đáp án nào để làm chuẩn.

Sở Giáo dục và Đào tạo cần mời một chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ lên tiếng.

Về phía Sở, cũng cần xem xét lại năng lực ra đề, làm đáp án của một số giáo viên được xem là cốt cán là nòng cốt bộ môn của tỉnh hiện nay.

Bởi, chuyện ra đề sai, ra đề thiếu sót, bất hợp lý không xảy ra lần này mà đã xảy ra nhiều lần trước đó.

Nếu người ra đề có năng lực chuyên môn vững vàng, ai dại gì lại ra đề kiểu hiểu thế nào cũng đúng và gây tranh cãi kịch liệt nhưng cuối cùng cũng chẳng thể khẳng định là ai đúng ai sai?

Câu hỏi trên có 0.75đ, đây là số điểm không hề nhỏ trong một kỳ thi có tính loại trừ cao. Vì, có em chỉ thiếu 0.25đ nhưng vẫn trượt như thường.

Trong khi chưa xác định chắc chắn câu đó thuộc dạng câu gì thì việc chấm thi môn Văn tại tỉnh Bình Thuận cần phải xem xét lại để tránh cho những học sinh bị trượt oan.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/binh-thuan-nhieu-giao-vien-phu-huynh-buc-xuc-vi-de-va-dap-an-mon-van-vao-10-post200483.gd