Bình Thuận tăng cường quảng bá, kích cầu du lịch
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Do lượng khách đến Bình Thuận giảm mạnh nên một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tranh thủ tái cấu trúc bộ máy, tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực để chuẩn bị cho giai đoạn mới. Ngoài những kỹ năng cơ bản, các kỹ năng mềm về giao tiếp, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý khách hàng, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cũng được các cơ sở du lịch chú trọng nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, hướng đến tính chuyên nghiệp.
Thời gian qua, Khách sạn Hoàng Long, thành phố Phan Thiết, đã sửa chữa toàn bộ cơ sở vật chất từ khu vực nhà hàng, buồng phòng lưu trú, phòng hội nghị… đem lại không gian mới mẻ, khang trang hơn. Cùng với đó, do nguồn nhân lực có sự xáo trộn nên đơn vị này cũng tập trung thời gian đào tạo lại đội ngũ nhân viên.
Ông Hồ Khiêm, Giám đốc điều hành khách sạn Hoàng Long, cho biết: Hiện tại, chúng tôi tập trung đào tạo nhân viên bếp và nhà hàng tạo "điểm nhấn riêng" về ẩm thực, hướng đến phục vụ người dân địa phương và khách du lịch. Để tiết kiệm chi phí, thời gian và bám sát nhu cầu thực tiễn, chúng tôi đào tạo tại chỗ và thường xuyên bằng việc các trưởng bộ phận của khách sạn, nhân viên cũ hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho nhân viên mới.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng để tăng tính cạnh tranh của du lịch địa phương. Từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ nhà hàng cho 60 học viên là nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch tại huyện đảo Phú Quý. Đồng thời, Sở cũng tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 70 hướng dẫn viên du lịch tại các điểm du lịch.
Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, thu hút du khách, ngành du lịch Bình Thuận đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa, đồng thời tổ chức thực hiện chương trình "Du lịch an toàn-An toàn để đi du lịch".
Cùng với việc thực hiện các tiêu chí phòng, chống dịch COVID-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tiếp tục xây dựng chương trình giảm giá kích cầu du lịch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt, môi trường sạch sẽ, an ninh, an toàn cho du khách... Ngoài ra, ngành du lịch đẩy mạnh nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm vườn thanh long và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh để đưa vào hoạt động chính thức.
Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách và doanh thu du lịch giảm mạnh. Trong 9 tháng năm 2020, Bình Thuận đón khoảng 1,9 triệu lượt khách (giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, khách du lịch quốc tế khoảng 160 nghìn lượt, giảm 70% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, khoảng 75% cơ sở lưu trú từ 1-5 sao đã hoạt động đón khách trở lại và cam kết đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, công suất phục vụ giảm, phần lớn là khách nội địa, chủ yếu đi vào 2 ngày cuối tuần. Dự kiến đến tháng 10/2020, hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch sẽ mở cửa hoạt động trở lại bình thường.
Từ nay đến cuối năm 2020, ngành du lịch Bình Thuận tập trung tổ chức các sự kiện quan trọng với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, trong đó điểm nhấn là các hoạt động hướng đến 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2020) như: Lễ Công nhận khu du lịch Quốc gia Mũi Né, Lễ hội Ka tê, Lễ hội Dinh Thầy Thím, Giải Golf Bình Thuận mở rộng… nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận, thu hút du khách.
Sắp tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận sẽ phối hợp với các đơn vị kiểm tra tiêu chí an toàn của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch để dán nhãn nhận diện điểm đến an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, nhà hàng, cơ sở mua sắm an toàn, dịch vụ vận tải an toàn.