Bỏ cọc, vi phạm đấu giá biển số xe: Cần chế tài đặc biệt xử lý
Liên quan tới hoạt động đấu giá biển số xe ôtô, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, trong Luật Đấu giá tài sản có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá, như không được nhận lại tiền đặt trước, người vi phạm còn bị xử phạt hành chính…
Nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm khách hàng tham gia đấu giá
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 19/10, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đặng Kim Hoa đã trao đổi với báo chí liên quan tới hoạt động đấu giá biển số xe, trong đó có nội dung nhiều người tham gia đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc và các giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Theo bà Đặng Kim Hoa, bản chất của hoạt động đấu giá là để tối đa hóa giá trị tài sản, nên về nguyên tắc nếu giá trị tài sản được trả giá càng cao thì cuộc đấu giá được coi là thành công. Hiện nay đã có Nghị quyết 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, trong đó quy định việc tính tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, bằng giá khởi điểm của biển số xe được đưa ra là 40 triệu đồng.
“Mức đặt trước như thế này tương đối cao. Để hạn chế việc bỏ cọc cũng như tiền đặt trước, trong Luật Đấu giá tài sản còn có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của khách hàng tham gia đấu giá, như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt, người vi phạm quy định về đấu giá tài sản còn bị xử phạt hành chính, còn biển số xe đã trúng tiếp tục được đưa ra đấu giá lại…” - bà Đặng Kim Hoa thông tin.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Luật đã quy định các chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (khai mạc vào ngày 23/10/2023). Việc sửa đổi Luật tập trung tăng vai trò trách nhiệm của người tham gia đấu giá và người có tài sản đấu giá, của cơ quan tổ chức liên quan đến triển khai đấu giá để đảm bảo cho cuộc đấu giá được công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Cần chế tài đặc biệt điều chỉnh ngăn chặn tình trạng bỏ cọc
Liên quan các trường hợp trúng đấu giá biển số xe nhưng bỏ cọc, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 39/2023/NĐ-CP, những trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi trừ số tiền đặt trước. Nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định hoặc người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá theo quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng. Để tổ chức phiên đấu giá, cơ quan quản lý nhà nước cũng như đơn vị tổ chức đấu giá phải đầu tư hệ thống quản lý đấu giá biển số xe gồm phần mềm, hạ tầng, đường truyền, hệ thống giám sát,…
Nếu người trúng đấu giá bỏ cọc, với số tiền 40 triệu đồng sẽ không đủ để thực hiện bù đắp các chi phí trong khâu tổ chức. Ngoài ra, việc bỏ cọc như vậy có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của người có nhu cầu tham gia đấu giá, liệu họ còn muốn tham gia nếu việc này tác động lớn đến kết quả đấu giá, đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, việc quy định như vậy chưa thực sự đủ sức răn đe, chưa hiệu quả trong công tác quản lý pháp luật nói chung, lĩnh vực đấu giá nói riêng. Cơ quan nhà nước cần áp dụng thêm các chế tài phạt khác như: Ngoài số tiền cọc không được hoàn lại, người bỏ cọc còn phải nộp thêm các khoản chi phí khác bù đắp trong việc tổ chức phiên đấu giá, nộp các khoản tiền tương ứng với phần trăm số tiền của tài sản trúng đấu giá.
“Biển số xe là tài sản đặc biệt, vì vậy cũng cần có các chế tài đặc biệt điều chỉnh. Việc áp dụng chế tài theo phần trăm số tiền trúng đấu giá sẽ không ảnh hưởng đến những người thực sự muốn đấu giá, đồng thời ngăn chặn triệt để tình trạng bỏ giá vô tội vạ” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-coc-vi-pham-dau-gia-bien-so-xe-can-che-tai-dac-biet-xu-ly.html