Bộ Công Thương đã rất chủ động rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh

Không ít các điều kiện kinh doanh hiện hành liên quan đến lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý đã có sự phù hợp và bảo đảm tính nhất quán.

Ngày 16/11, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố báo cáo: Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương và đề xuất, kiến nghị.

Bộ Công Thương được đánh giá là điểm sáng trong rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh

Bộ Công Thương được đánh giá là điểm sáng trong rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh

Báo cáo tiến hành rà soát cơ sở pháp lý và các chỉ đạo của Chính phủ về cải cách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương, từ đó, đề xuất, kiến nghị theo hướng đơn giản hóa danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh liên quan.

Theo các chuyên gia CIEM, nội dung này phù hợp với ưu tiên, chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh được Chính phủ đặt ra làm nội dung trọng tâm cải cách trong giai đoạn đến năm 2025 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.

Báo cáo tập trung rà soát, đánh giá và phân tích một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực Công Thương, cụ thể là 5 lĩnh vực, bao gồm: Kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; xuất khẩu gạo; hoạt động thương mại điện tử.

Giải thích về nguyên nhân lựa chọn những lĩnh vực này, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng CIEM cho rằng: Đây là những lĩnh vực không mới, nhưng tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Điển hình như lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, luôn nhận được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp; trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm qua luôn đạt thứ hạng rất cao trên thế giới, còn thương mại điện tử đang được đánh giá là lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nói về lý do chọn lĩnh vực Công Thương để thực hiện báo cáo, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - CIEM - cho rằng: Những năm qua, Bộ Công Thương được đánh giá là điểm sáng trong rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, lĩnh vực ngành nghề mà Bộ Công Thương quản lý có nhiều mặt hàng không chỉ quan trọng đối với sản xuất mà còn quan trọng đối với thị trường xuất khẩu, nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Anh Dương nhận định: Đánh giá sơ bộ cho thấy, không ít điều kiện kinh doanh hiện hành đã có sự phù hợp và bảo đảm nhất quán, các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được nêu nhất quán giữa các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, không tập trung vào một lĩnh vực cụ thể của kinh doanh xăng dầu.

Cũng theo thông tin từ báo cáo, nhiều điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công Thương chủ động rà soát, cắt giảm trong những năm trước đây theo Quyết định 3610A/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Phương án rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/1/2018…

Năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP. Theo đó, “Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh, đặc biệt 205 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP so với đề xuất cắt giảm 202 điều kiện kinh doanh” - ông Nguyễn Anh Dương thông tin.

Báo cáo cũng cho thấy, các điều kiện kinh doanh liên quan đến lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý hiện vẫn tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất (kho, cầu cảng, bể chứa…). Ví dụ phổ biến là yêu cầu cụ thể về kho, cầu cảng đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu gạo. Các điều kiện kinh doanh này có vẻ như giúp sàng lọc các doanh nghiệp có năng lực. Tuy nhiên, việc có kho chứa đủ lớn có thể khác biệt so với dự trữ thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc yêu cầu cụ thể về các cơ sở vật chất có thể làm tăng thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 và bối cảnh kinh tế thế giới, yêu cầu của hội nhập kinh tế, quốc tế đã tác động mạnh đến môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp xóa bỏ rào cản, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQ-CP, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, thời gian trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, theo theo ông Aedan Puleston - Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam: Việc cắt giảm, rà soát các điều kiện kinh doanh không chỉ giúp mang lại môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, mà còn mang lại cơ hội giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát, nhận diện những bất cập những điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương, từ đó tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, từ đó cắt giảm những điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-da-rat-chu-dong-ra-soat-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-227206.html