Bộ đội Biên phòng tỉnh: Đẩy mạnh số hóa công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC), những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, thực hiện số hóa, tự động hóa, tạo thông thoáng, thuận lợi, an ninh, an toàn cho hoạt động lưu thông qua lại biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong tình hình mới.

Người dân làm thủ tục xuất cảnh tại cổng kiểm soát tự động ở Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma

Người dân làm thủ tục xuất cảnh tại cổng kiểm soát tự động ở Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma

BĐBP tỉnh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 231,74 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), 7 cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cửa khẩu, thực hiện thủ tục biên phòng điện tử và kiểm soát XNC bằng cổng kiểm soát tự động là một bước đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số của lực lượng BĐBP. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong phương thức quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC của BĐBP từ phương pháp thủ công sang điện tử, văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Ứng dụng công nghệ trong thực hiện thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin, sử dụng trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP cấp để thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện số hóa, tự động hóa trong công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC. Đồng thời, BĐBP tỉnh đã tích cực nghiên cứu, đổi mới quy trình công tác, tác phong, lề lối làm việc, đơn giản hóa thủ tục biên phòng, rút ngắn thời gian làm thủ tục đối với người, phương tiện XNC qua các cửa khẩu đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Chi Ma đã được trang bị cổng kiểm soát XNC tự động gắn với hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Từ đó, đã phục vụ tốt việc kiểm soát tự động đối với cư dân biên giới và lái xe Việt Nam thường xuyên có hoạt động XNC qua các cửa khẩu sử dụng giấy thông hành có dán mã vạch để tự động hóa công tác làm thủ tục, đơn giản thủ tục hành chính và giám sát, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu. Cụ thể, đã rút ngắn thời gian làm thủ tục XNC, nhất là đối với lái xe Việt Nam sang Trung Quốc giao, nhận hàng hóa, giảm số lần đóng dấu kiểm chứng, kéo dài thời hạn sử dụng và giảm chi phí cấp giấy thông hành cho hành khách, lái xe, thúc đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu. Việc áp dụng cổng kiểm soát tự động đã rút ngắn thời gian làm thủ tục cho mỗi hành khách từ 1 phút xuống còn 10 - 15 giây. Chỉ tính từ ngày 1/1/2023 đến nay, lực lượng BĐBP tỉnh tại các cửa khẩu đã làm thủ tục cho khoảng 3 triệu lượt hành khách XNC bằng hộ chiếu và giấy thông hành.

Chị Vương Thị Thọ, thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình chia sẻ: Do tính chất công việc, tôi thường xuyên qua lại Cửa khẩu Chi Ma, việc trang bị cổng kiểm soát XNC tự động đã tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người dân qua cửa khẩu. Mỗi khi có việc đi qua cửa khẩu, tôi chỉ việc sử dụng giấy thông hành có dán mã vạch, đặt lên máy để kiểm tra thông tin, cổng kiểm soát sẽ tự động mở để tôi đi qua nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.

Đặc biệt, nhóm tác giả của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma đã nghiên cứu, xây dựng thành công phần mềm “Quản lý phương tiện XNC chở hàng hóa xuất nhập khẩu” và đã được áp dụng tại 7 cửa khẩu từ năm 2017 đến nay. Qua đó, góp phần giúp công tác kiểm soát, đăng ký tích hợp đầy đủ, nhanh chóng các dữ liệu liên quan đến lái xe, phương tiện, hàng hóa, đảm bảo tổ chức quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Là thành viên tham gia nghiên cứu xây dựng phần mềm, Trung tá Trần Quang Thùy, quân nhân chuyên nghiệp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Sáng kiến có tính ứng dụng thực tế nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của lực lượng chức năng đối với hoạt động XNC, xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu; giúp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực biên phòng, giảm thời gian, nhân lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát XNC.

Rút ngắn thời gian chờ đợi

Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên được Ủy ban chuyển đổi số quốc gia giao thực hiện thí điểm nền tảng cửa khẩu số, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị triển khai thực hiện hiệu quả nền tảng cửa khẩu số. Qua đó, tối ưu các quy trình XNC, đem lại tiện ích cho doanh nghiệp và phục vụ cho các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Tính từ ngày 1/1/2023 đến nay, lực lược chức năng đã làm thủ tục cho trên 555 nghìn lượt phương tiện XNC chở hàng xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, nền tảng cửa khẩu số đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh cải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại cửa khẩu; hiện 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 4 km đường biên giới quốc gia, với 2 cửa khẩu quốc tế gồm: Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Ga Đồng Đăng. Trung tá Vũ Anh Linh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Là cửa khẩu quốc tế, với lưu lượng hành khách XNC và hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu rất lớn, do đó, đơn vị đã tích cực ứng dụng hiệu quả việc chuyển đổi số gắn với cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát người và phương tiện XNC, tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động lưu thông tại cửa khẩu và đảm bảo an ninh trật tự.

Theo đó, từ năm 2019, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử và đến năm 2022 đã kết nối với cổng thông tin “một cửa” quốc gia. Đến nay, đơn vị đã thực hiện 5/6 thủ tục biên phòng điện tử trên cổng thông tin biên phòng điện tử kết nối với cổng thông tin “một cửa” quốc gia. Qua đó, hành khách chỉ khai báo thông tin trên cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử và được xác nhận hoàn thành; khi đến cửa khẩu hành khách chỉ cần xuất trình hộ chiếu, giấy tờ XNC cho lực lượng biên phòng tại cửa khẩu để kiểm tra, kiểm soát và kiểm chứng vào hộ chiếu, giấy tờ. Với ưu điểm nêu trên, thời gian kiểm tra, làm thủ tục đối với 1 hành khách chỉ còn khoảng 10 giây (trước đây phải mất từ 35 - 40 giây/khách).

Anh Hồ Văn Cảnh, lái xe chở hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên qua lại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, giờ đây, việc giải quyết thủ tục XNC của lực lượng BĐBP tại cửa khẩu diễn ra rất kịp thời, chính xác, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện cho người dân qua lại cửa khẩu nhánh chóng, thuận lợi.

Việc thực hiện tốt công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát XNC, tạo sự thuận lợi cho các hoạt động lưu thông biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

ĐÌNH QUANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bo-doi-bien-phong-tinh-day-manh-so-hoa-cong-tac-quan-ly-kiem-soat-xuat-nhap-canh-5012692.html