Bỏ hội phụ huynh cho bình yên mà lại lo không có hoạt động cho con

Trước những bức xúc về các khoản thu đầu năm học, nhiều phụ huynh bày tỏ nên bỏ ban phụ huynh, song có người cho rằng nếu bỏ, các hoạt động của trẻ ở trường thực hiện thế nào.

 Phụ huynh tranh luận về việc có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh hay không. Ảnh: Freepik.

Phụ huynh tranh luận về việc có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh hay không. Ảnh: Freepik.

“Tôi nghĩ nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh đi. Ban này có vẻ đại diện nhà trường chứ không còn đại diện cha mẹ học sinh nữa”.

Đó là chia sẻ của một phụ huynh khi nhắc đến hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (ban đại diện) trong những năm gần đây.

Vừa vào năm học mới nhưng hàng loạt câu chuyện về quỹ trường, quỹ lớp, các khoản thu xã hội hóa... gây bức xúc dư luận. Nhiều người cho rằng nên bỏ ban đại diện bởi nhóm này thực chất là cánh tay nối dài của ban giám hiệu để hợp thức hóa các khoản thu.

Bỏ ban đại diện để phụ huynh “bình yên"

Chị Nguyễn H., phụ huynh ở Hải Phòng, cũng muốn các trường bỏ ban phụ huynh để tránh gây ra những xích mích, hiểu lầm không đáng có giữa các phụ huynh.

Bản thân chị H. không có vấn đề gì về việc thu quỹ của ban phụ huynh vì chị thấy những khoản thu đó đều cần thiết cho việc học của con ở trường. Tuy nhiên, điều khiến chị không hài lòng lại là cách giao tiếp giữa ban phụ huynh với cách cha mẹ học sinh khác trong lớp.

 Một số phụ huynh muốn bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh dù biết rằng điều đó sẽ khiến giáo viên vất vả hơn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Một số phụ huynh muốn bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh dù biết rằng điều đó sẽ khiến giáo viên vất vả hơn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Chị H. sinh con út khi tuổi đã cao nên chị là một trong những phụ huynh lớn tuổi nhất trong lớp. Tuy nhiên, người mẹ cảm thấy ban phụ huynh chưa có sự tôn trọng nhất định với các phụ huynh lớn tuổi vì hay nói chuyện thiếu đầu đuôi hoặc nói chuyện giống như “ra lệnh”.

“Họ nghĩ họ làm trong ban phụ huynh, có chức vụ nên có thể sai khiến được chúng tôi”, chị H. chia sẻ.

Cũng vì ban phụ huynh giao tiếp sai cách, phụ huynh trong lớp của con chị H. thường “chơi” theo nhóm, thiếu đoàn kết nên từ đó cũng khiến không khí trong các buổi họp phụ huynh trở nên căng thẳng. Đôi khi, giáo viên chủ nhiệm cũng lúng túng vì không thể giảng hòa cho các phụ huynh.

“Nói bỏ ban phụ huynh thì thương cô chủ nhiệm vì phải gánh thêm trách nhiệm, nhưng tôi vẫn nghĩ nên bỏ. Hoặc nếu giữ ban phụ huynh, các trường nên có bộ quy tắc để các ban phụ huynh tuân thủ. Như vậy phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm hơn khi nộp tiền, gửi gắm con cho họ”, chị H. nói.

Đồng quan điểm, một phụ huynh từng làm trong ban đại diện cũng cho rằng “giải tán ban phụ huynh là hợp lý nhất". Chị này nêu ra một số lý do. Thứ nhất, các phụ huynh trong ban đại diện đỡ phải kêu ca làm mệt, mất công, mất thời gian. Các phụ huynh còn lại cũng không phải khó chịu vì nghĩ làm ban phụ huynh là con được ưu ái hơn, kiếm chác được gì đó từ tiền quỹ.

Thứ hai, phụ huynh nhận định việc bỏ bạn đại diện cũng để học trò tự lập bởi ban đại diện thường làm từ A tới Z. Các con chỉ việc tham gia, không biết cách làm, không biết chủ động.

Ví dụ, trong dịp lễ trung thu, thay vì để các con trang trí, sáng tạo, ban đại diện lại thuê mượn hoặc tự làm hết. Hay dịp lễ, thay vì để các con tri ân thầy cô bằng những món quà nhỏ tự làm, ban đại diện lại lên kế hoạch tri ân bằng tiền quỹ.

“Như vậy là bố mẹ tri ân, đâu phải học trò. Vậy nên tôi thấy giải tán ban đại diện là hợp lý", phụ huynh chia sẻ.

Cũng có người lại cho rằng ít nhất không nên để người giàu làm đại diện cha mẹ học sinh bởi có thể họ rất tốt, rất lo cho các cháu, nhưng việc thu chi quỹ lại bất cập. Điều này lý giải bởi thu nhập và chi tiêu của người có điều kiện khác với những gia đình thu nhập bình thường học khó khăn, vì vậy suy nghĩ họ sẽ khác.

Bỏ thì trẻ làm gì có hoạt động nào ngoài học

Trong khi đó, chị Nguyễn Chinh (phụ huynh tại Hà Nội) không đồng tình với quan điểm giải tán ban phụ huynh. Chị nhìn nhận đúng là một số ban đại diện hay tìm cách thu quỹ kiểu tận thu, ép buộc phụ huynh phải đóng nhiều khoản vô lý và chi tiêu không rõ ràng. Song không phải ở đâu cũng vậy.

Chị Chinh lấy ví dụ ở lớp con chị, việc thu quỹ phụ huynh thường dùng vào việc tổ chức các hoạt động cho các con như trung thu, Tết, in ấn tài liệu, phong trào văn hóa, văn nghệ, phần thưởng cho các con theo tuần, theo tháng nếu có tiến bộ…

Ngoài ra, mỗi dịp như vậy, lớp cũng có ban đại diện đứng ra tổ chức cho trẻ; hỗ trợ giáo viên khi tham gia các hoạt động của nhà trường; hoặc đại diện lớp thay mặt các phụ huynh tri ân thầy cô, như vậy chị cũng không phải lăn tăn chuyện tri ân riêng.

 Nhiều phụ huynh lại đề cao tầm quan trọng của ban đại diện cha mẹ học sinh nên mong muốn giữ lại. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Nhiều phụ huynh lại đề cao tầm quan trọng của ban đại diện cha mẹ học sinh nên mong muốn giữ lại. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Theo chị Chinh, ngân sách nhà nước rót xuống trường chỉ có hạn, nếu phụ huynh không đóng góp thêm, không có quỹ trường, quỹ lớp, các con làm sao có những hoạt động hỗ trợ về mặt tinh thần.

“Trong suốt năm học, các con chỉ biết học và học, không có hoạt động hay khích lệ gì, liệu các con còn niềm vui đến trường", chị Chinh chia sẻ.

Chị cho rằng về cơ bản, quỹ lớp, quỹ trường cứ thu chi minh bạch, rõ ràng, thu ở mức vừa phải, trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng thì người được hưởng lợi luôn là học sinh.

Nói về những tranh cãi có nên bỏ ban phụ huynh hay không, chị Phan Ánh, phụ huynh ở Hà Nội, cho biết chị không bao giờ tham gia vào những tranh cãi này vì cảm thấy rất vô nghĩa. Cá nhân người mẹ nói rằng chúng ta không nên “chỉ vì vài con sâu mà bỏ đi cả nồi canh”.

Là mẹ của hai con ở độ tuổi tiểu học, lại bận rộn kinh doanh, chị Ánh luôn đề cao vai trò của ban phụ huynh vì nhờ các cha mẹ trong ban, con của chị cùng các bé khác trong lớp được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Từ hoạt động lớn đến hoạt động nhỏ, các bé đều được tham gia đủ và có sự chăm sóc của ban phụ huynh.

Những ngày này, mạng xã hội liên tục tranh luận về việc ban phụ huynh lạm thu, là cánh tay nối dài của nhà trường để “bòn tiền” phụ huynh, chị Ánh thừa nhận điều này xảy ra ở một số trường học, nhưng may mắn là hiện tượng đó không xảy ra tại nơi con chị học.

Người mẹ nói với Tri Thức - Znews rằng trưởng ban phụ huynh ở lớp con trai lớn là kế toán, có kinh nghiệm làm sổ sách, cân đo đong đếm các khoản thu nên phụ huynh trong lớp đều rất tin tưởng. Suốt 4 năm, vị phụ huynh đó luôn đứng ra đề xuất các khoản cần đóng, minh bạch trong việc thu, chi. Dù chỉ là 1.000 đồng, trưởng ban phụ huynh vẫn kê khai rõ ràng.

Hơn thế, vị trưởng ban phụ huynh này luôn biết cách kết nối các phụ huynh, không để xảy ra tình trạng chia bè phái và rất chăm lo cho các con. Chị Ánh kể rằng vào các dịp quan trọng như lễ, Tết, liên hoan cuối năm…, ban phụ huynh sẽ luôn đứng ra lo từ A đến Z, các phụ huynh khác chỉ cần đóng tiền và hỗ trợ thêm một số chuyện lặt vặt.

“Có thể do tôi may mắn nên gặp được ban phụ huynh làm việc rất tốt. Nhìn chung thì tôi nghĩ chúng ta không nên bỏ ban phụ huynh, nhất là ở bậc tiểu học vì các con vẫn cần được chăm sóc kỹ hơn”, chị Ánh nói.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bo-hoi-phu-huynh-cho-binh-yen-ma-lai-lo-khong-co-hoat-dong-cho-con-post1501913.html