Gian nan Trung Thắng

Những năm qua, do chưa có điện lưới, nước sinh hoạt, sản xuất lại manh mún, nhỏ lẻ, trình độ dân trí thấp... cuộc sống bà con đồng bào Mông bản Trung Thắng, xã Mường Lý (Mường Lát) gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Không có điện lưới ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của cô và trò tại các điểm trường lẻ bậc mầm non, tiểu học ở bản Trung Thắng.

Không có điện lưới ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của cô và trò tại các điểm trường lẻ bậc mầm non, tiểu học ở bản Trung Thắng.

Mòn mỏi ngóng điện lưới quốc gia

Như thường lệ, sau một ngày lên nương vất vả, tối đến gia đình anh Giàng A Dơ lại quây quần trong ngôi nhà được lợp tạm bằng những tấm pro xi măng từ nguồn hỗ trợ của các đoàn thể sau khi bị tốc mái do một đợt mưa lũ. Dưới ánh đèn dầu leo lét với ánh sáng vàng vọt, lúc mờ lúc tỏ, các con anh đang chăm chú ôn lại kiến thức chuẩn bị cho buổi học sáng hôm sau. Năm nay hơn 40 tuổi, Dơ chỉ ao ước một ngày nào đó được sử dụng điện lưới, rồi mua một chiếc ti vi nho nhỏ để xem tin tức, thời sự, học cách làm kinh tế ở những nơi khác. Với 7 nhân khẩu, Dơ phải nỗ lực không ngừng để trang trải cuộc sống, ngoài số lúa trên nương rẫy, vợ chồng còn chịu khó trồng thêm ít sắn, ngô và chăn nuôi vài con gà nên cũng tạm gọi là có thể an tâm. Tuy vậy, do không có điện lưới nên việc tiếp cận thông tin, kiến thức hạn chế, không áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế, nên năng suất, hiệu quả trong lao động, sản xuất rất ít được cải thiện.

Để sinh kế, năm 2021 Giàng A Kênh (sinh năm 1987) mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua trâu sinh sản, trồng thêm ít lúa, sắn... Từ nguồn vốn đó cộng với việc chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình Kênh cũng đỡ vất vả, con cái được lo ăn, lo học khá hơn. Tuy vậy, cũng như bao hộ dân khác trong bản, không có điện lưới, các con của anh không thể học bài vào buổi tối, mơ ước để hằng ngày có thể xem ti vi, sử dụng các thiết bị điện tử, mua máy móc hỗ trợ giải phóng sức lao động, tăng năng suất trong trồng trọt và chăn nuôi... mãi chưa thành hiện thực. “Nhiều năm qua, tôi cũng đã làm nhiều cách để có điện sinh hoạt như tận dụng nguồn nước để lắp máy tua bin phát điện, thậm chí vay mượn tiền mua máy phát điện, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài e khó duy trì do chi phí cao, hiệu quả lại thấp”, Giàng A Kênh chia sẻ.

Cùng chung niềm băn khoăn đó, trưởng bản Sùng A Khoa trầm ngâm: “Trung Thắng là một trong những bản người Mông đặc biệt khó khăn của xã Mường Lý. Từ bao đời nay, do tập quán du canh, du cư, bà con thường sinh sống rải rác trên các sườn đồi, núi, dọc sông Mã. Kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hàng năm dân bản vẫn phải nhận hỗ trợ gạo từ Nhà nước cũng như nhiều chương trình, dự án giảm nghèo khác. Không chỉ vậy, bản hiện chưa có điện lưới quốc gia, chưa có nước sinh hoạt (chủ yếu dùng nước khe suối), chưa có nhà văn hóa. Chừng ấy lí do cũng khiến sinh hoạt thường ngày của các hộ dân càng thêm phần vất vả, lạc hậu”.

Gian nan con đường “gieo chữ”

Hơn 6 năm kể từ khi chuyển lên điểm trường Trung Thắng công tác, bàn chân của thầy Lương Văn Sao, giáo viên Trường Tiểu học Tây Tiến (Mường Lý) đã chai sạn bởi những lần trèo đèo, lội suối đến tận nhà phụ huynh để vận động học sinh đến trường. Chừng ấy năm cắm bản, đối với thầy có vô vàn chuyện để nhớ. Thầy Sao cho biết: Điểm trường hiện có 82 học sinh với 5 lớp, cách trung tâm xã chừng hơn 20km, đường lên bản gập ghềnh, nhiều khúc cua dựng đứng. Để duy trì tỷ lệ học sinh đến trường và đảm bảo việc học, nhiều giáo viên phải ở lại trường, cuối tuần mới về được nhà. Thương nhất là lũ trẻ, sự học vốn đã khó khăn, tối đến khi không có ánh sáng điện, các em chỉ biết đi ngủ sớm, không có điều kiện để ôn bài tập.

Một góc bản Trung Thắng, xã Mường Lý (Mường Lát).

Một góc bản Trung Thắng, xã Mường Lý (Mường Lát).

Trung Thắng là một trong 5 điểm trường lẻ xa xôi, khó khăn bậc nhất của Trường Mầm non Tây Tiến. Theo cô Phạm Thị Vân, hiệu trưởng nhà trường: Bà con nơi đây phần vì đời sống khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, việc quan tâm đến điều kiện học cho con em còn hạn chế. Bên cạnh lên lớp giảng dạy, các cô còn phụ trách thêm công việc vận động học sinh đến lớp. Điều băn khoăn ở điểm trường này là chưa có điện, nước sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của cô và trò. Đặc biệt, khi triển khai dạy học bằng máy tính, giáo viên phải khắc phục bằng cách sạc đầy pin máy xách tay ở nhà, nhưng máy móc cũng kém, pin “chai”, không đủ dùng cho cả buổi học. Dẫu vậy, vượt lên cuộc sống khó khăn, vất vả, những giáo viên cắm bản vẫn ngày đêm miệt mài đưa con chữ đến với học sinh nơi đây.

Ông Lê Hữu Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: Là bản vùng cao xa xôi, thuộc diện khó khăn bậc nhất của xã, Trung Thắng hiện có 80 hộ với trên 538 nhân khẩu, 100% dân số thuộc hộ nghèo. Do giao thông chưa thông suốt, kinh tế bà con chủ yếu dựa vào sản vật rừng, nương ngô và ruộng lúa, khiến điều kiện sống vô cùng vất vả. Đặc biệt, chưa có điện lưới nên tất cả sinh hoạt vào ban đêm phụ thuộc vào đèn dầu, đèn pin hoặc đèn năng lượng. Bà con muốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cũng khó, việc học hành của con em càng nhọc nhằn, gian truân. Ngoài ra, do địa hình đồi núi phức tạp, bà con sinh sống rải rác ở các sườn đồi, sườn núi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mưa bão. Năm 2023, sau khi rà soát, Trung Thắng có 49 hộ dân có nguy cơ sạt lở. Xã cũng đã báo cáo UBND huyện xây dựng phương án di dời, về lâu dài, rất mong các cấp, ngành sớm bố trí khu tái định cư mới để người dân có nơi ở ổn định, yên tâm sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo và không còn nỗi lo trong mùa mưa bão...

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gian-nan-trung-thang-33283.htm