Bộ Lao động phát hiện sai phạm về chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ; sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Qua kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phát hiện và xử lý một số vụ việc sai phạm trong việc thực hiện chi trả chính sách từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cũng phát hiện tình trạng đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan. Trong đó, Ban Thường vụ huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã.
Tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho 6 người nghèo. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh địa phương rút kinh nghiệm, chi bổ sung ngay cho đối tượng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định quá trình thực hiện có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ; sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo nhưng đã được phát hiện, ngăn chặn và các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc.
Ngoài một số nơi phát hiện vi phạm, một số địa phương trong quá trình triển khai lại có cách làm sáng tạo, rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách như tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Định xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu và lọc đối tượng tránh trùng lặp, phê duyệt danh sách theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố khi đủ điều kiện.
Tại các địa phương cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn như 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cam Lạc, huyện Cam Xuyên, Hà Tĩnh; 2 người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; 11 hộ cận nghèo với 4 khau tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội...
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Tổng đài 111 để tiếp nhận và giải đáp những kiến nghị, thắc mắc liên quan đến mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ và tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo... Trong 20 ngày đầu tháng 5/2020 đã có gần 120.000 cuộc gọi đến Tổng đài 111 để hỏi đáp chính sách, trong đó các bộ phận đã tiếp nhận, trực tiếp trả lời trên 36.000 cuộc./.