Bộ Ngoại giao Mỹ sợ cảnh siêu vũ khí Nga nuốt chửng các đô thị Mỹ bằng 'sóng thần phóng xạ'
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo về khả năng răn đe hạt nhân của Nga, nói rằng các tàu ngầm không người lái trang bị đầu đạn của Nga có thể gây ra 'sóng thần phóng xạ'.
Christopher Ford, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến hạt nhân, đưa ra cảnh báo trên tại hội nghị trực tuyến về vũ khí hạt nhân và luật pháp quốc tế.
Ông Ford nói với khán giả rằng Washington "có lý do để quan ngại về chính sách của Nga". Ông bày tỏ nghi ngờ rằng dù Moskva khẳng định kho vũ khí hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích phòng vệ, Nga vẫn sẽ "có tỷ lệ" sử dụng loại vũ khí này trong xung đột vũ trang.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vén màn ngư lôi không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon vào tháng 3/2018 cùng các hệ thống phân phối hạt nhân chiến lược mới, nhằm bảo đảm khả năng trả đũa của Moskva trong các tình huống bị tấn công quy mô lớn. Nga cam kết không sử dụng vũ khí chiến lược trừ trường hợp bị công kích.
Ông Christopher Ford cho rằng, các tàu ngầm không người lái (drone) mang ngư lôi Poseidon tạo thành mối đe dọa hủy diệt các đô thị của Mỹ.
Trong báo cáo gửi đến Viện An ninh Toàn cầu (GGI) và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) hôm thứ Sáu (13/11), Ford gọi Poseidon là vũ khí "gây lo ngại" bởi ông tin rằng Nga có ý định "lắp trên chúng những đầu đạn có đương lượng nổ nhiều megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn TNT) và phóng qua đại dương trong thời chiến, nhằm nhấn chìm các thành phố ven biển Mỹ bằng sóng thần phóng xạ".
"Khái niệm tác chiến của Poseidon - bao gồm một đầu đạn mang sức tàn phá lớn, không thể triệu hồi từ lộ trình vượt đại dương (có thể mất vài ngày) - làm dấy lên những nghi vấn nghiêm trọng về mức độ mà loại vũ khí này có thể được sử dụng và tuân thủ theo luật pháp cùng các nguyên tắc quốc tế," ông Ford lập luận.
"Người Nga đã ám chỉ rằng họ có thể phản ứng bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân toàn diện nếu nhận thấy dù chỉ một tên lửa đạn đạo bắn về phía họ," quan chức Ngoại giao Mỹ cảnh báo.
Kho vũ khí hạt nhân của cả Mỹ và Nga đã giảm xuống từ sau Chiến tranh Lạnh, song tiến trình giải trừ vấp phải rào cản trong vài năm gần đây. Hai nước vẫn tiếp tục thảo luận về hiệp ước cắt giảm vũ khí - được biết đến với tên gọi "New START" - sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
Trước đó, ông Putin đề xuất gia hạn 1 năm đối với hiệp ước mà không kèm điều kiện bổ sung, trong khi Mỹ đề xuất gia hạn hiệp ước với việc tạm thời đóng băng kho vũ khí hạt nhân.
Sputnik News cho hay, Moskva bắt đầu nghiên cứu nhiều loại vũ khí "ngày tận thế" từ thập niên 2000, sau khi Mỹ đơn phương xé Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) và bắt đầu chế tạo, triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.
Quan ngại của Nga tiếp tục dâng lên sau khi Lầu năm Góc đưa ra khái niệm Prompt Global Strike - ý tưởng về tấn công chính xác quy mô lớn nhằm vào đối thủ, vô hiệu hóa lãnh đạo và khả năng phòng ngự, đồng thời triệt tiêu năng lực phản ứng hạt nhân của đối phương.
Vào năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).