Bổ sung đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam

Việc bổ sung đối tượng áp dụng của dự án Luật Căn cước công dân (CCCD) là thực sự cần thiết trong công tác quản lý con người, bảo đảm ANTT…

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm qua (28/8), Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV đã khai mạc.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Do đó, để bảo đảm hội nghị được tiến hành hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, tranh thủ tối đa thời gian để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.

Sau phần khai mạc, các đại biểu chuyên trách đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn và các ý kiến khác nhau về dự án Luật CCCD (sửa đổi). Báo cáo nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, qua tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, thường trực Ủy ban QPAN đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam; việc quản lý người gốc Việt Nam; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam.

Cho ý kiến sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhìn nhận, việc bổ sung đối tượng áp dụng của luật là thực sự cần thiết trong công tác quản lý con người, bảo đảm ANTT. Quan trọng hơn, bà Nga cho rằng, việc này thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

"Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, con số 31.000 người gốc Việt chỉ chiếm 0,031% tổng dân số Việt Nam hiện tại nhưng không phải vì chỉ chiếm số phần trăm ít ỏi mà những người này sẽ bị bỏ qua. Họ đang hiện hữu, đang sinh sống, đang là một phần máu thịt của cộng đồng" - bà Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, 31.000 người này hầu hết là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người nghèo không nghề nghiệp, không nhà cửa, không cả quốc tịch do chưa xác định được quốc tịch. Trong rất nhiều cái không đó, nếu không có cả căn cước, thứ giấy tờ tùy thân tối thiểu chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì họ hoàn toàn đứng bên lề xã hội, bên lề cuộc sống, bao gồm cả con cái họ, cũng không được hưởng bất cứ chế độ an sinh nào.

Khi những người yếu thế không được hưởng chế độ an sinh, không nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng thì rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra. Vì lẽ đó, nữ đại biểu nhận định, nếu con số 31.000 người trên được cấp căn cước, cơ quan chức năng sẽ quản lý tốt hơn, cuộc sống của họ sẽ dần ổn định hơn do có giấy tờ hợp pháp để tham gia nhiều hoạt động xã hội và được hưởng những chế độ an sinh phù hợp.

Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự đồng tình cao với việc cấp chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam mà chưa xác định quốc tịch.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói, khi được cấp chứng nhận căn cước, địa vị pháp lý, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân sinh sống tại đất nước Việt Nam sẽ được bảo đảm. Đại biểu đề nghị làm rõ hơn về điều kiện chuyển tiếp ra sao, thời gian nào và tiêu chí nào thì được chuyển từ giấy chứng nhận căn cước tới giấy căn cước.

Đề cập đến thông tin của công dân trên thẻ căn cước, đại biểu Nguyễn Tạo phản ánh, so với Luật CCCD năm 2014, dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm nhiều thông tin công dân để đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia, như cơ sở dữ liệu căn cước, nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử... Nhận xét thông tin như vậy, ông Tạo đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ thông tin bắt buộc thu thập và thông tin công dân tự nguyện cung cấp cho cơ sở dữ liệu căn cước.

Trước đó, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới chia sẻ, thường trực Ủy ban QPAN thấy rằng, việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp. Thường trực Ủy ban cũng đã rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả trong khai thác và sử dụng.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/bo-sung-day-du-quyen-va-nghia-vu-cua-nguoi-goc-viet-nam_151877.html