Bổ sung quy định thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn

Ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về sửa đổi Luật Quy hoạch, sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 6, Phụ lục II của Luật Quy hoạch để quy định quy hoạch đô thị và nông thôn là một loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; đồng thời bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia và quy định rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thứ bậc của hệ thống quy hoạch.

Về sửa đổi Luật Đầu tư, theo ông Dũng, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp

Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Dũng thông tin, Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Liên quan đến sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật này cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Thẩm tra dự án Luật trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là một loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, theo ông Thanh, về thủ tục đầu tư đặc biệt đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế-xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP, Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã “chín”, đã “rõ”, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì sẽ xem xét trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật PPP.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn cung về thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, thuận tiện cho người bệnh trong việc mua thuốc đảm bảo chất lượng tại các cơ sở y tế công lập là cần thiết. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đề xuất áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần và cần có ý kiến cụ thể của Bộ Y tế về nội dung này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng cho biết có ý kiến cho rằng, thực tế triển khai, Bộ Y tế cho rằng không có vướng mắc về đấu thầu, việc sửa quy định này chỉ thuận cho lãnh đạo quản lý, còn thiệt cho người bệnh và cơ bản không đáp ứng mục tiêu của đấu thầu. Do đó đề nghị không sửa đổi quy định này.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bo-sung-quy-dinh-thu-tuc-dau-tu-dac-biet-doi-voi-du-an-cong-nghiep-mach-tich-hop-ban-dan-10291988.html