Bỏ thuốc diệt cỏ vào giếng nước hàng xóm: Tội nào mới đúng?
Luật sư cho rằng hành vi bỏ thuốc diệt cỏ vào giếng nước có dấu hiệu của tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
TAND huyện Nam Đàn, Nghệ An vừa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh (69 tuổi, trú xã Nam Xuân, Nam Đàn) sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội hủy hoại tài sản.
Bà Thanh phải bồi thường 32 triệu đồng đối với tổn thất về tài sản do giếng nước bị hư hỏng không sử dụng được và chi phí kiểm tra sức khỏe, tổn thất tinh thần của các thành viên trong gia đình bị hại.
Bỏ thuốc diệt cỏ vào giếng nước hàng xóm vì thù tức
Theo hồ sơ, sáng 14-5-2019, do có mâu thuẫn từ trước nên bị cáo đổ một chai thuốc diệt cỏ nhãn hiệu Fansipan 200SL loại 100 ml bên trong có chứa Paraquat (Paraquat là thuốc diệt cỏ nhóm Bipyridilium, nhóm độc I) xuống giếng nước nhà hàng xóm.
Làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo khai do thù tức vì bị nghi ngờ trộm tiền.
Ban đầu, bà Thanh bị khởi tố tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015 (chuẩn bị hóa chất nguy hiểm nhằm gây tổn hại sức khỏe người khác).
Tuy nhiên, sau đó các cơ quan tố tụng thống nhất rằng hành vi đã thực hiện xong chứ không phải trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện nữa nên hành vi của bà Thanh không phù hợp khoản 6 Điều 134. Còn căn cứ khoản 3 Điều 134 thì cũng không thỏa mãn vì hành vi của bà Thanh chưa gây hậu quả.
Kết quả giám định nước giếng cho thấy chất độc trong nước chưa đủ để gây chết người.
Do đó, cơ quan điều tra đã đổi tội danh với bà thành tội hủy hoại tài sản vì hành vi đổ thuốc diệt cỏ vào giếng nhằm mục đích trả thù nhưng chưa gây tổn hại về sức khỏe của người khác. Hành vi của bà Thanh làm giếng nước trị giá 5 triệu đồng hư hỏng hoàn toàn.
Luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại cho rằng cần truy cứu bị cáo về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác. Bởi lẽ khi đổ thuốc diệt cỏ vào giếng nước, bà Thanh đã ý thức rõ nếu sử dụng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí có thể gây chết người. Đây là nguồn cung cấp nước ăn duy nhất của năm người trong gia đình bị hại.
Sau khi đổ một lọ thuốc diệt cỏ xuống giếng, bà Thanh chưa dừng lại mà hôm sau tiếp tục mang một lọ thuốc khác sang nhưng do khóa cửa nên không thực hiện được ý định.
Gia đình bị hại chưa bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe là do họ phát hiện nước giếng đổi màu, có mùi lạ nên ngừng sử dụng. Việc những người này không bị ảnh hưởng sức khỏe là nằm ngoài mục đích mong muốn của bị cáo.
Phạm tội chưa đạt
Luật sư Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng TAND huyện Nam Đàn xử tội hủy hoại tài sản là không chính xác. Bởi với tội hủy hoại tài sản thì động cơ, mục đích của người phạm tội là mong muốn hủy hoại tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc hủy hoại tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội hủy hoại tài sản mà tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.
Khi bỏ thuốc diệt cỏ vào giếng nước được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, trong đó có việc ăn uống thì bà Thanh hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm không chỉ cho người mà bà có thù tức mà còn cho cả các thành viên sử dụng chung nguồn nước từ giếng này. Do đó, việc khởi tố bà là cần thiết.
Ai cũng ý thức được thuốc diệt cỏ gây nguy hiểm cho người khác. Tuy nhiên, hàm lượng thuốc diệt cỏ bao nhiêu thì có thể gây ra nguy hiểm hay chết người thì khó xác định.
Thời gian tử vong do sử dụng nguồn nước có hòa lẫn thuốc diệt cỏ phụ thuộc vào liều lượng và lứa tuổi, thể trạng của người sử dụng, phụ thuộc vào tỉ lệ bao nhiêu thuốc trong bao nhiêu nước... Do đó, cần phải có giải thích kết luận giám định hoặc giám định lại để xác định lượng thuốc bỏ xuống giếng nếu sử dụng có dẫn đến chết người hay không.
Theo tìm hiểu, Paraquat thuộc nhóm chất diệt cỏ tác dụng nhanh và không chọn lọc. Nếu đi vào cơ thể người sẽ ăn mòn, phá hủy các bộ phận như phổi, thận, gan, tim… Do vậy, tỉ lệ tử vong của ngộ độc Paraquat rất cao. Chỉ cần uống phải 10-15 ml Paraquat có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi uống phải thuốc diệt cỏ có chứa Paraquat chỉ sau vài giờ sẽ xuất hiện cảm giác bỏng rát ở miệng, buồn nôn, đau bụng. Chất độc được hấp thụ nhanh, đặc biệt có áp lực rất cao với phổi, gây tổn thương phổi và xơ phổi tiến triển không hồi phục, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc Paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác như dạ dày, gan, thận…
Trường hợp kết luận giám định khẳng định nếu sử dụng nước có nhiễm thuốc diệt chuột thì sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong thì hành vi của bà Thanh là hành vi phạm tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Nếu kết quả giám định khẳng định với hàm lượng thuốc diệt cỏ tan trong giếng nước như vậy, khi sử dụng chỉ bị tổn hại đến sức khỏe thì hành vi của bà Thanh là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người
Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích thêm: Ý thức của bà Thanh là chỉ nhằm mục đích cho người bà thù tức bị rụng tóc. Tuy nhiên, việc chứng minh tội phạm còn thông qua hành vi chứ không chỉ dựa vào lời khai.
Hành vi của bà Thanh cho thấy bà đã cố ý bỏ thuốc vào giếng nước và nếu không bị phát hiện thông qua camera, qua biểu hiện bất thường như nước giếng đổi màu, có mùi lạ thì cả gia đình có thể đã là nạn nhân. May mắn là người trong gia đình bị hại chưa bị ngộ độc từ thuốc diệt cỏ.
Ngoài ra, việc bỏ thuốc diệt cỏ vào giếng nước là hành vi có khả năng làm chết nhiều người, giống như hành vi ném lựu đạn vào chỗ đông người dù hành vi chỉ mong muốn giết một người nào đó thôi.
Hậu quả của hành vi "sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" có thể làm chết đúng đối tượng mà người phạm tội mong muốn hoặc có thể làm chết người khác, thậm chí không ai chết nhưng người phạm tội vẫn bị coi là giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người và bị xử lý về tội giết người theo khoản 1 Điều 123 BLHS 2015. Tuy nhiên, nếu không ai chết thì người phạm tội được áp dụng Điều 15 BLHS về trường hợp phạm tội giết người chưa đạt.
Công an TP.HCM từng không khởi tố vụ tương tự
Rạng sáng 25-12-2016, do mâu thuẫn trong cuộc sống nên bà Đ. - cô chồng của chị Trần Thị Bạch Tuyết (ngụ quận 9, TP.HCM) đã lén đổ một gói thuốc vào nồi nước lèo.
Khi chị Tuyết trở về, thấy nồi nước nổi lên nhiều bọt lạ bất thường nên kiểm tra camera, phát giác sự việc.
Ngày 12-1-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời lấy mẫu giám định. Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai mẫu phẩm nước lèo đều có sự hiện diện của thuốc diệt chuột, chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng.
Ngày 27-7-2017, CQĐT đã đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS do hành vi của bà Đ. không cấu thành tội phạm.
Theo CQĐT, 2 g thuốc diệt chuột mà cô chồng chị Tuyết bỏ vào nồi nước lèo không đủ lượng để gây ngộ độc chết người và chỉ nhằm phá hoại không cho chị Tuyết bán hàng cho khách. Bà cô không có ý thức giết người và thực tế sự việc bị phát hiện nên hậu quả chưa xảy ra, do đó hành vi của bà không cấu thành tội giết người.
Quyết định đình chỉ điều tra đã được VKSND TP.HCM kiểm sát. Ngày 14-8-2017, VKSND TP.HCM đã có kết luận kiểm sát kết luận việc đình chỉ là có căn cứ.
Lý do đình chỉ vụ án như nêu trên đã gây nhiều tranh cãi.