Bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư trình Ủy ban, trong đó có bố trí vốn mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Cho ý kiến về khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sân bay Phú Quốc hiện có quy mô cấp 4E, công suất thiết kế 4 triệu hành khách/năm (mở rộng năm 2018); khai thác hành khách quốc tế và quốc nội; có một đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m; sân đỗ hàng không dân dụng với 14 vị trí đỗ tàu bay giờ cao điểm.
Hiện tại, Cảng HKQT Phú Quốc đang tăng trưởng mạnh và đã khai thác vượt công suất thiết kế, tần suất đi/đến cao.
Năm 2022, sân bay này đạt sản lượng 5,5 triệu hành khách/năm với khoảng 90 – 100 chuyến/ngày cả đi và đến; dự kiến đến năm 2023 sản lượng đạt 4,5 – 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2025 sản lượng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được quy hoạch trong thời kỳ 2021 – 2030 là cảng hàng không quốc tế cấp 4E, công suất thiết kế 10 triệu hành khách/năm; định hướng đến năm 2050 có công suất thiết kế 18 triệu hành khách/năm.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư mở rộng nâng cấp Cảng HKQT Phú Quốc, trong đó có việc xây dựng Nhà ga hành khách T2 công suất 6 triệu hành khách/năm (nâng tổng công suất thiết kế lên 10 triệu hành khách/năm) là cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Liên quan đến khả năng cân đối, bố trí vốn đầu tư mở rộng Cảng HKQT Phú Quốc, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư trình Ủy ban và đang tiếp tục hoàn thiện.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của ACV trong giai đoạn 2021-2025 là 106.441 tỷ đồng, Trong kế hoạch này, ACV đã bố trí nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng HKQT Phú Quốc.
Cuối tháng 5/2023, Bộ GTVT đã có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và ACV xin ý kiến về khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư mở rộng Cảng HKQT Phú Quốc.
Theo Bộ GTVT, hiện nay ACV là doanh nghiệp khai thác Cảng HKQT Phú Quốc. Theo quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ (khoản 1 Điều 48), để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý, vận hành, duy trì điều kiện khai thác, ACV có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại sân bay quốc tế Phú Quốc.
Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư mở rộng Cảng HKQT Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với các quy định hiện hành.