Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải đưa giá lợn về dưới 70.000 đồng/kg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi phải thể hiện được vai trò dẫn dắt, đưa giá lợn đi xuống dưới 70.000 đồng/kg.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, hiện tại, quan trọng nhất là đảm bảo khả năng cung ứng lương thực thực phẩm; khống chế dịch bệnh, như dịch tả lợn châu Phi; chống trục lợi trong buôn bán nông sản; đảm bảo xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.
Tập quán của người Việt, bữa ăn thì đến 70% là thịt lợn. Qua dịch tả lợn châu Phi rồi, cần đưa ra giá bán phù hợp. 17 doanh nghiệp lớn về thịt lợn cần có vai trò dẫn dắt. Các doanh nghiệp lớn vào cuộc thì bắt buộc doanh nghiệp nhỏ lẻ phải theo. Đây chính là việc để bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tổ chức tại Hà Nội chiều 12/3, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: "Giá thịt lợn cao người dân và xã hội sẽ quay lưng. Họ sẽ quay ra ăn thịt gà, thịt bò, trứng, mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững, công bằng".
Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1,1 triệu ha, năng suất bình quân hơn 9 tấn/ha. Hạn mặn nhưng tổng thể vẫn được mùa. Nam Trung bộ, Tây Nguyên bình quân 6-7 tấn/ha. Ở miền Bắc, lúa đang làm đòng, tổng thể rất đẹp.
Thách thức tiếp theo là vụ hè thu ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Nếu không đạt 43-44 triệu tấn lương thực, không thể đáp ứng cho dân số 100 triệu người. Ngoài ra, còn mục tiêu xuất khẩu hàng chục triệu tấn.
Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 rất khó khăn, đại dịch đang đe dọa kinh tế thế giới, tác động đến mọi quốc gia. Thiệt hại ở mỗi quốc gia là nhiều hay ít, đến giờ này chưa lường hết được.
“Ngành khác có thể gián đoạn nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực thực phẩm cho con người. Vào viện cũng phải ăn, nghỉ ở nhà cũng phải ăn. Cho nên ngành nông nghiệp không hề được nghỉ” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Với nông sản, thị trường Trung Quốc cũng cần có các biện pháp thúc đẩy hơn nữa. Đặc biệt là chanh leo, khoai lang, sầu riêng và một số mặt hàng chúng ta đang đàm phán với phía Trung Quốc.
Trong điều kiện khó khăn, các đề xuất của các doanh nghiệp hỗ trợ về thuế, về lãi suất cho vay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cụ thể. Ngân hàng sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp./.