Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiết lộ đang xây dựng hạm đội tương lai, Trung Quốc không thể sánh được
Vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang cực kỳ căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 16/9 nói, quân đội Mỹ đang xây dựng hạm đội tương lai, sức mạnh hải quân của Trung Quốc không thể sánh được với Mỹ.
Theo trang web VOA tiếng Trung ngày 17/9, ông Mark Esper đã đến thăm trụ sở của cơ quan nghiên cứu độc lập RAND ở California vào ngày 16/9 và phát biểu về sự cạnh tranh an ninh giữa Mỹ - Trung Quốc và tình trạng của cơ sở công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ.
Ông Esper nói rằng trật tự quốc tế do Hoa Kỳ và các đồng minh tạo ra đã hỗ trợ sự ổn định và thịnh vượng trên khắp thế giới trong hơn 70 năm qua, nhưng trật tự tự do và cởi mở này đang “chịu áp lực” (under duress). Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể đảm bảo với các vị rằng chúng tôi chắc chắn chỉ huy một lực lượng hải quân tốt nhất và mạnh nhất trên hành tinh này”.
Ông Esper nói, sự thành công của chiến lược quốc phòng Mỹ phụ thuộc vào những nỗ lực trong ba lĩnh vực: thứ nhất, nâng cao khả năng sát thương và khả năng sẵn sàng chiến đấu của cả quân đội; thứ hai, tăng cường liên minh và thiết lập quan hệ đối tác; thứ ba, cải tổ Bộ Quốc phòng để các tài nguyên phù hợp với nhiệm vụ chính của nó.
Ông Mark Esper cho biết, Mỹ đang xây dựng hạm đội cho tương lai, sức mạnh hải quân của Trung Quốc không thể sánh được với Mỹ (Ảnh: Lầu Năm Góc).
Trong bài phát biểu của mình, ông Esper nói đến việc Trung Quốc đang cố gắng định hình lại trật tự quốc tế mà Mỹ đã dẫn đầu để thiết lập và điều hành sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu sau Thế chiến thứ Hai. Trung Quốc đang có ý định xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới để thống trị châu Á, nhưng sức mạnh hải quân của Trung Quốc không thể sánh được với Mỹ.
Ông Esper nói: “Bộ Quốc phòng đang xây dựng hạm đội của tương lai, trong đó công nghệ không người lái, trí tuệ nhân tạo và vũ khí chính xác tầm xa sẽ ngày càng đóng vai trò chủ đạo”.
Tóm lại, đây sẽ là lực lượng cân bằng với hơn 355 hạm tàu có người lái và không có người lái. Hạm đội Mỹ trong tương lai sẽ gồm nhiều hơn các tàu mặt nước lớn và nhỏ, các tàu nổi và dưới nước có thể lựa chọn hoạt động có hay không có người lái tự hành; các loại máy bay không người lái cất hạ cánh trên tàu sân bay; lực lượng tàu ngầm lớn hơn và có năng lực mạnh hơn và một lực lượng răn đe chiến lược hiện đại hóa”.
Trước đó, Công ty RAND trong báo cáo mới nhất vào ngày 1/8 về triển vọng 30 năm, đã khuyến cáo quân đội Mỹ cần phải chuẩn bị cho việc đối phó với một Trung Quốc hùng mạnh hơn.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông trung tuần tháng 7/2020 (Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương).
Nghiên cứu được Tập đoàn RAND thực hiện cho Lục quân đội Mỹ cho rằng, đến giữa thế kỷ này, Trung Quốc có thể diễn ra theo 4 kịch bản: một Trung Quốc đắc ý chiến thắng, một Trung Quốc đang trỗi dậy, một Trung Quốc trì trệ và một Trung Quốc sụp đổ vì nội bộ. Trong đó không ngừng trỗi dậy và đình trệ là hai trường hợp có thể xảy ra nhất.
Báo cáo cho rằng đối với Mỹ, việc chuẩn bị cho một Trung Quốc đắc ý chiến thắng hay đang trỗi dậy là điều cần thận trọng nhất, bởi vì kịch bản này phù hợp với xu hướng phát triển quốc gia hiện tại của Trung Quốc và cũng đại diện cho kịch bản thách thức nhất đối với quân đội Mỹ trong tương lai. Trong cả hai trường hợp, quân đội Mỹ cần dự liệu rằng các lực lượng tiền tiêu của Mỹ đóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn và khả năng hành động thông thường của họ ở vùng trời và vùng biển Tây Thái Bình Dương cũng sẽ bị mất.
Mark Esper nói: “Ngày nay, trong thời đại cạnh tranh giữa các nước lớn, Bộ Quốc phòng coi Trung Quốc, sau đó là Nga là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của chúng ta. Các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại này đang lợi dụng các lực lượng cướp đoạt kinh tế, lật đổ chính trị và sức mạnh quân sự để dịch chuyển cán cân lực lượng theo hướng có lợi cho bản thân, gây thiệt hại cho người khác”.
Trực thăng trinh sát không người lái MQ-8B trên tàu chiến Mỹ (Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương).
Ông lấy ví dụ, Trung Quốc đang gây ảnh hưởng xấu thông qua sáng kiến “Vành đai và con đường”, “đặt các nước yếu hơn phải gánh chịu các khoản nợ lớn và buộc họ phải nhận viện trợ kinh tế với cái giá phải hy sinh là chủ quyền”. Ông cho rằng các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông là ví dụ về việc “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng định hình lại trật tự quốc tế”.
Ông nói rằng ĐCSTQ có kế hoạch hoàn thành hiện đại hóa quân đội vào năm 2035 và xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới có thể thống trị châu Á vào năm 2049. Ông đề cập rằng ngoài việc phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến, Bắc Kinh cũng đang đầu tư vào các loại tàu ngầm tầm xa, tự động và không người lái, cho rằng đó có thể là những vũ khí chi phí thấp, hiệu quả cao chống lại Hải quân Mỹ.
Nhưng Esper cho rằng sức mạnh hải quân của Trung Quốc không thể sánh được với Mỹ. Ông nói: “Tôi muốn nói rõ rằng về sức mạnh hải quân, Trung Quốc không thể sánh với Mỹ. Ngay cả khi chúng ta ngừng đóng tàu chiến mới, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng phải mất nhiều năm để bắt kịp khả năng của chúng ta trên biển cả. Tuy nhiên, chúng ta phải đảm bảo dẫn đầu; chúng ta phải duy trì ưu thế của mình; chúng ta sẽ tiếp tục đóng những con tàu hiện đại để đảm bảo rằng chúng ta vẫn là hải quân vĩ đại nhất trên thế giới”.
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông đã tăng cường đầu tư vào quân đội Mỹ. Trong năm tài chính 2020, ngân sách của quân đội Mỹ là 738 tỷ USD.
Mark Esper, người trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 7 năm ngoái, cho biết vào đầu năm nay, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 795 triệu USD để mua chiếc tàu đầu tiên của loại hộ vệ hạm mang tên lửa dẫn đường mới, với lựa chọn mua thêm 9 tàu với tổng giá trị gần 5,6 tỷ USD. Đây là kế hoạch đóng tàu mới quy mô lớn đầu tiên mà Hải quân Mỹ tìm kiếm trong hơn một thập kỷ qua.
Ông nói rằng Hải quân Hoa Kỳ đang đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc phát triển tàu mặt nước không người lái và các phương tiện ngầm không người lái, đặt nền tảng cho việc thành lập hạm đội Hoa Kỳ trong tương lai.
Ngày 12/4/2018, Trung Quốc tổ chức diễu binh hải quân lớn trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, bắc Biển Đông (Ảnh: Tân Hoa xã).
“Những nỗ lực này là bước tiếp theo trong việc hiện thực hóa hạm đội tương lai của chúng ta, trong đó các hệ thống không người lái có thể thực hiện nhiều chức năng chiến đấu khác nhau, từ bắn ném hỏa lực gây chết người và đặt mìn, đến tiếp tế vật tư hoặc giám sát kẻ thù. Đây sẽ là sự thay đổi lớn trong phương thức tác chiến trên biển của chúng ta trong mấy năm và mấy thập kỷ tới”, ông Esper nói.
Ông cũng nói, Hải quân và Thủy quân lục chiến trong tương lai sẽ áp dụng các khái niệm mới như “tác chiến trên biển kiểu phân tán” và “tác chiến căn cứ tiên tiến viễn chinh” để hiện đại hóa phương thức tác chiến của Mỹ vì chúng có thể cung cấp các khái niệm tác chiến liên hợp mới và cuối cùng trở thành lý luận tác chiến trong thế kỷ 21.
Mark Esper nói: “Ngày nay, chúng ta đang ở một bước ngoặt khác. Tôi tin rằng công nghệ không người lái, trí tuệ nhân tạo và vũ khí chính xác tầm xa sẽ ngày càng đóng vai trò chủ đạo tại bước ngoặt này. Với việc tính chất của chiến tranh thay đổi, quân đội Mỹ, trong đó có Hải quân, cần phải đối mặt với tương lai này”.
Ông nhấn mạnh rằng để xây dựng hạm đội tương lai này và duy trì ưu thế trên biển hiện nay và tương lai của Mỹ, cần phải áp dụng cách tiếp cận “toàn quốc” bao trùm cả chính phủ, ngành công nghiệp và giới học thuật.