Bộ trưởng Trần Tuấn Anh 'đăng đàn' trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chiều 6/11, Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở nhóm vấn đề thứ hai. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chịu trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề trong lĩnh vực Công Thương tập trung vào công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trước lúc trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là lần thứ ba ông được trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội cũng như mỗi phiên chất vấn, Bộ Công Thương luôn xác định trách nhiệm của mình trong tiếp thu, thực hiện nghiêm kết luận của Quốc hội, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Trong phần chất vấn, đại biểu Lê Thu Hà ( Đoàn Lào Cai) đặt câu hỏi. "Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thu Hà , Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai)

Tiếp sau câu trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Lê Thu Hà tiếp tục hỏi, “Mức giá 9,35 cent một kWh trong 20 năm theo đại biểu Hà là khá cao, đề nghị Bộ Công thương làm rõ giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả sản xuất khi phát triển nguồn năng lượng này. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết mức giá này trên cơ sở phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam, khi ban hành Quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể", ông chia sẻ. Và thực tế tới 30/6 - khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019.

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải tỏa hết công suất, ở mức 30-40%.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm, khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. "Từ cuối năm 2018 Bộ Công Thường đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm 15 đường dây 110kV, 220 kV... nhưng cũng không triển khai kịp", ông nói. Song ông tin, năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV.

Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Phương Thị Thanh (Đoàn Bắc Kạn) yêu cầu Bộ Công Thương nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trong việc để các doanh nghiệp lợi dụng hàng hóa gắn mác Việc Nam chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đi các nước khác.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Đoàn Bắc Kạn).

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang có cơ hội hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng Việt Nam để tranh thủ ưu đãi về thuế quan, mới nhất là lô nhôm trị giá 4,3 tỷ USD giả hàng Việt chờ đi Mỹ.

Bên cạnh đó là hàng loạt sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính, các sản phẩm của dệt may da giày và đặc biệt là gỗ dán và các sản phẩm gỗ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đã chủ động phối hợp và báo cáo Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp quản lý và xử lý những vấn đề này. Mới đây, Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án về phòng vệ thương mại, tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại.

Về mối quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết "Chúng ta đã không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này, tránh được ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu, chẳng hạn với Mỹ dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến vừa qua".

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-dang-dan-tra-loi-chat-van-truoc-quoc-hoi-post70138.html