Đồng Tháp: Nỗ lực đưa sếu đầu đỏ trở lại tràm chim

Sếu đầu đỏ được xem như một trong những biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp. Bảo tồn sếu đầu đỏ không chỉ có ý nghĩa với tỉnh mà còn là hiện thực hóa chủ trương đối ngoại khí hậu của Trung ương. Đem sếu về tràm chim có ý nghĩa về môi trường, văn hóa và hợp tác quốc tế. Nhiều nỗ lực được địa phương thực hiện để bảo vệ loài động vật có tên trong sách đỏ này trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 - 2032.

Trước đây, số lượng cá thể sếu đầu đỏ về với tràm chim hằng năm lên tới hàng trăm con, có năm đón hơn 1.000 con. Nhưng sự thay đổi về sinh cảnh, nguồn thức ăn khiến lượng sếu tại đây sụt giảm nghiêm trọng. Từ năm 2020 đến nay, tràm chim không đón con sếu đầu đỏ nào. Để đạt được mục tiêu của đề án là nuôi thả 100 con sếu trong giai đoạn 2022 - 2032, không chỉ là nỗ lực bảo vệ cá thể sếu tồn tại mà còn là khôi phục những điều kiện sinh cảnh, môi trường sống để thu hút sếu.

Sau thời gian dài nỗ lực, hiện địa phương đã sẵn sàng mọi điều kiện để tiếp nhận những cá thể sếu đầu đỏ được chuyển giao từ Thái Lan. Bên cạnh đó là sự đồng hành từ các doanh nghiệp, đối tác, tổ chức trong và ngoài nước.

Cùng với nỗ lực cho đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 - 2032, Đồng Tháp cũng là địa phương tiên phong trong phát triển nông nghiệp sinh thái theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đó sẽ là nguồn động lực, là điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục hành trình nỗ lực, để đưa đàn sếu trở về với tràm chim, với Đồng Tháp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Hải Triều - Quang Trường - Hữu Bình

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/dong-thap-no-luc-dua-seu-dau-do-tro-lai-tram-chim-241715.htm