Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra thực tế hoạt động của doanh nghiệp da giầy, dệt may
Chiều 5/3/2020, đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã đến làm việc trực tiếp tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây và Tổng Công ty May 10, nhằm tìm hiểu thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tham dự đoàn công tác còn có lãnh đạo Cục Công nghiệp, Vụ Kế hoạch, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và Công nghệ và Văn phòng Bộ Công Thương.
Đến thăm và làm việc tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết không chỉ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp dệt may, da giầy do tác động của dịch Covid-19, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời và phù hợp, mà còn tìm hiểu nhận thức của doanh nghiệp về cơ hội và thách thức thị trường đến từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mới được Nghị viện châu Âu thông qua tháng 2 vừa qua.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cho thấy quan điểm không bi quan trước dịch bệnh, bày tỏ sự tin tưởng tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ và Bộ Công Thương. Hai doanh nghiệp cũng khẳng định đang và sẽ bằng mọi cách tự cứu mình, để cùng với sự hỗ trợ từ nhà nước có thể tiếp tục nỗ lực tìm kiếm cơ hội thị trường để đứng vững qua sóng gió Covid-19.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều trông đợi vào việc EVFTA chính thức có hiệu lực, cho rằng đây sẽ là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển trở lại của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch bệnh.
Chia sẻ với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự đánh giá cao với những nỗ lực chủ động của các doanh nghiệp dệt may, da giầy thời gian qua, đặc biệt khi doanh nghiệp không vì lý do dịch bệnh mà buông tay, vẫn duy trì sản xuất kinh doanh đều đặn song song với công tác phòng chống dịch, đảm bảo công ăn việc làm đời sống cho người lao động.
Về phía mình, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đánh giá tác động của dịch bệnh này tới các hoạt động kinh tế - thương mại của Việt Nam và có Báo cáo đánh giá tác động, đề xuất hướng xử lý gửi Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ ngành liên quan cùng phối hợp thực hiện.
Những giải pháp, công việc cụ thể trong cả trước mắt và đặc biệt là tính tới dài hạn đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện và ban hành tại Quyết định số 481/QĐ-BCT ngày 13 tháng 2 năm 2020 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch Covid-19 gây ra.
Bày tỏ sự tin tưởng “sau cơn mưa trời sẽ sáng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng bên cạnh các giải pháp triển khai ngay trong bối cảnh dịch bệnh, cần tính đến cả kế hoạch hậu dịch bệnh, trong đó yêu cầu then chốt là hoàn thiện cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng và minh bạch để doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lực để đảm bảo doanh nghiệp có điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh và thương mại, giữ thị phần phát triển, “tránh để tình trạng người ốm nhìn thấy thuốc mà không được uống”.
Trong dài hạn, cần định hình lại ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, để doanh nghiệp chủ động nguồn cung trong nước thay vì phụ thuộc nhập khẩu, giữ vững chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, các vấn đề cũng như kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong buổi làm việc hôm nay sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu và đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương doanh nghiệp do Bộ tổ chức dự kiến vào ngày 16/3 tới.
Tại Hội nghị, các nhiệm vụ cụ thể cũng sẽ được giao đến từng đơn vị thuộc Bộ Công Thương để vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời sẵn sàng các giải pháp để báo cáo Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triệt để, có hiệu quả.
Đối với EVFTA, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội, cùng với đó cũng sẽ có kế hoạch thực thi Hiệp định này hiệu quả nhất, đảm bảo hướng đến độ phủ nhận thức trong toàn xã hội và gắn với tối ưu hóa lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Một số hình ảnh do phóng viên Tạp chí Công Thương ghi nhận tại buổi làm việc: