BoJ sẽ không tăng lãi suất vào tuần tới, ECB tranh luận tốc độ cắt giảm

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thời gian để cân nhắc các động thái chính sách tiếp theo và cơ quan này sẽ không tăng lãi suất vào tuần tới ngay cả khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng.

BoJ cảnh giác cao độ trước những rủi ro từ kinh tế Mỹ

Đó là phát biểu của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda với báo chí sau cuộc họp với những người đồng cấp trong Nhóm G20.

"Tôi tin rằng chúng tôi có đủ thời gian" để đưa ra quyết định chính sách, Thống đốc Ueda khẳng định. Ông cũng nói thêm rằng: "Chúng tôi cần xem xét toàn cảnh và cân nhắc kỹ lưỡng những tác động đến lạm phát của Nhật Bản không chỉ từ đồng yên suy yếu mà còn từ quan điểm về nền kinh tế Mỹ sau đó - điều này có thể liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".

Thống đốc BoJ cho biết ông đang cảnh giác cao độ trước những rủi ro từ nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi ông thừa nhận rằng sự lạc quan dường như đang tăng lên. Phát biểu bên lề các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 23/10, Thống đốc Ueda cho biết ông đã lo lắng về nền kinh tế Mỹ trong vài tháng qua.

Bên ngoài Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ảnh: AFP

Bên ngoài Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ảnh: AFP

BoJ dự kiến sẽ đưa ra quyết định chính sách vào ngày 31/10 trong bối cảnh các nhà đầu tư đang kỳ vọng về thời điểm ngân hàng này tăng lãi suất lần nữa. Những phát biểu của Thống đốc Ueda có khả năng củng cố kỳ vọng của thị trường, khi hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán BoJ sẽ không có thay đổi chính sách nào trong tháng này.

Việc phát tín hiệu chính sách cho cuộc họp sắp tới là rất quan trọng, vì hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng BoJ sẽ động thái lãi suất vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau, theo khảo sát mới nhất của Bloomberg.

Phát biểu của Thống đốc Ueda diễn ra sau khi đồng yên tuần này trượt giá xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ ngày 31/7. Các nhà đầu tư đang theo dõi xem liệu sự mất giá của đồng yên có đẩy nhanh thời điểm BoJ tăng lãi suất hay không, bằng cách khuếch đại rủi ro lạm phát tăng.

Đồng yên giao dịch ở mức khoảng 151,8 JPY đổi 1 USD vào lúc 4:27 chiều ngày 25/10 (giờ New York), từ mức thấp 153,19 JPY đổi 1 USD ngày trước đó.

ECB tranh luận "được" và "mất" khi hành động sớm

Trong khi đó, các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tranh luận về việc có thực sự cần cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản hay không. Quan điểm của họ bắt đầu trở nên khác biệt khi lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2% của ECB.

Một số quan chức có quan điểm ôn hòa của ECB đang công khai thảo luận về sự cần thiết phải cắt giảm lãi suất mạnh hơn, trong khi các đồng nghiệp có quan điểm "diều hâu" lại kêu gọi thận trọng. Họ cũng nhấn mạnh rằng lãi suất không nên hạn chế nền kinh tế lâu hơn mức cần thiết, nhưng đồng thời khẳng định rằng cuộc chiến chống lại áp lực giá cả tăng lên vẫn chưa giành được thắng lợi.

Tuần trước, ECB đã cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay, đưa lãi suất tiền gửi xuống còn 3,25%. Các chuyên gia kinh tế và nhà giao dịch dự đoán ECB sẽ tiến hành nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa trong những tháng tới.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết: "Tôi nghĩ đối với tôi, hướng đi đã rõ ràng. Những gì chúng tôi đã làm bắt đầu từ tháng 6 theo tôi là cách tiếp cận hợp lý và nên tiếp tục với cách tiếp cận thận trọng về vấn đề này".

"Bạn sẽ thấy mọi người nói suốt cả tuần rằng, ôi, nó phải là 50 (cắt giảm 50 điểm cơ bản - BTV), nó phải là 25. Nhưng không. Hướng đi rõ ràng, tốc độ sẽ được xác định theo phương hướng kiềm chế và thúc đẩy dựa trên ba tiêu chí và áp dụng phán đoán", bà Lagarde nói thêm.

Ông Joachim Nagel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức và thành viên Hội đồng quản trị ECB cho rằng: "Chúng ta không nên quá vội vàng. Chúng ta sẽ có tất cả các tùy chọn và các tùy chọn này dựa trên dữ liệu mà chúng ta có vào tháng 12".

Trong khi đó, một thành viên khác trong Hội đồng quản trị ECB, ông Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, lại kêu gọi: "Chúng ta không tụt hậu ngày hôm nay, nhưng sự linh hoạt sẽ giúp chúng ta tránh được rủi ro như vậy trong tương lai. Rủi ro khi giảm (lãi suất - BTV) quá muộn lập trường hạn chế của chúng ta thực sự có thể trở nên đáng kể hơn so với rủi ro khi hành động quá nhanh".

"Nếu chúng ta duy trì lạm phát ở mức 2% trong năm tới và với triển vọng tăng trưởng vẫn chậm chạp ở châu Âu, sẽ không có lý do gì để chính sách tiền tệ của chúng ta vẫn hạn chế và lãi suất của chúng ta cao hơn lãi suất trung lập. Khi chiến thắng trước lạm phát đã ở trong tầm mắt, chính sách tiền tệ không nên gây ra sự hạn chế quá mức hoặc kéo dài đối với hoạt động kinh tế và việc làm, và sau đó là đối với những người dân của chúng ta", ông Francois Villeroy de Galhau lưu ý.

Tương tự, ông Fabio Panetta, thành viên Hội đồng quản trị ECB đến từ Italia nhận thấy: "Có sự kết hợp giữa lạm phát thấp và tăng trưởng yếu, và rõ ràng điều này có lợi cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ của chúng ta hơn nữa".

Với khả năng ECB đạt được mục tiêu lạm phát 2% "sớm hơn nhiều" vào cuối năm 2025 như trong dự báo tháng 9, hướng đi của lãi suất là "rõ ràng" và không thể coi nhẹ sự cần thiết phải giảm chi phí lãi vay xuống dưới mức trung lập.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/boj-se-khong-tang-lai-suat-vao-tuan-toi-ecb-tranh-luan-toc-do-cat-giam-d228312.html