Bốn cách để giữ trật tự cuộc tranh luận Trump-Biden tiếp theo
Đối với những ai xem cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ qua truyền hình, họ đều nhất trí đây là cuộc 'tranh loạn'. Giới chuyên gia gợi ý 4 cách để hai cuộc tranh luận tiếp theo diễn ra có trật tự.
Theo kênh BBC, trong suốt 90 phút, hai ứng viên là Tổng thống Donald Trump và Joe Biden đều la hét, cãi vã, ngắt lời nhau, phớt lờ các chủ đề, mặc cho điều phối viên Chris Wallace ra sức cầu xin.
Ủy ban Tranh luận Tổng thống, tổ chức phi đảng phái chịu trách nhiệm bảo trợ và tổ chức các sự kiện tranh luận, đồng ý với nhận định trên. Ngày 30/9, tổ chức này cho rằng sau màn tranh luận đầu tiên, rõ ràng cần phải bổ sung quy định cho hai cuộc “so găng” tiếp theo.
Khi chỉ còn hai tuần nữa là ông Trump và ông Biden sẽ lại lên “sàn đấu”. Sau đây là 4 đề xuất để hai cuộc tranh luận tiếp theo không lặp lại kịch bản xấu xí đầu tiên.
Ngắt tiếng ứng viên
Thông thường, các cuộc tranh luận tổng thống giúp cử tri có cơ hội nghe các ứng viên trình bày trước khi quyết định bỏ phiếu cho ai. Tuy nhiên, trong sự kiện tối 29/9, người xem chỉ ước hai ứng viên trên sân khấu im lặng.
Khi cuộc tranh luận tiếp diễn, mạng xã hội tràn ngập đề nghị từ cử tri, chuyên gia, nhà báo rằng cần trao quyền cho điều phối viên ngắt tiếng của các ứng viên, ngăn họ nói khi chưa tới lượt.
Mặc dù cả ông Trump và Biden đều mắc lỗi ngắt lời nhau, nhưng Tổng thống Trump là người mắc lỗi này nhiều nhất khi nói chen ngang tới 73 lần.
Do đó, ngắt lời ứng viên phá luật là lựa chọn hàng đầu trong những giải pháp mà Ủy ban Tranh luận Tổng thống đưa ra.
Lời kêu gọi ngắt tiếng dường như là ý tưởng nảy ra trong thời đại mà ứng dụng Zoom được sử dụng phổ biến trong đại dịch COVID-19. Khi làm việc từ nhà và sử dụng Zoom, người dùng có thể ngắt tiếng hoặc giảm âm lượng tiếng của người khác. Đây là công cụ có thể giúp điều phối viên đắc lực trong duy trì sự bình tĩnh của các ứng viên và trật tự của cuộc tranh luận.
Thay điều phối viên
Nhiều người không hài lòng với những gì diễn ra trong cuộc tranh luận đầu tiên và họ tỏ ra bất mãn với điều phối viên Chris Wallace của kênh Fox News.
Ông Wallace đã phải vất vả duy trì kiểm soát các ứng viên, thậm chí đã phải cầu xin Tổng thống Trump một cách tuyệt vọng rằng hãy để ông Biden trả lời.
Trong khi nhiều người chỉ trích ông Wallace thì cũng có nhiều người bảo vệ điều phối viên này. Họ cho rằng điều phối bộ đôi ứng viên này, nhất là ông Trump, là nhiệm vụ khó nhằn với bất kỳ ai.
Sử gia Laura Ellyn Smith nói với BBC: “Tôi không đổ lỗi cho ông Chris Wallace chút nào. Ông ấy là nhà báo tích cực, ưu tú. Ông ấy đã thể hiện tốt trong tranh luận giữa ông Trump và bà Hillary Clinton năm 2016, ông ấy là điều phối viên tốt. Ông ấy được giao nhiệm vụ gần như bất khả thi, ngoài tầm với”.
Phát biểu với tờ New York Times sáng hôm sau cuộc tranh luận, ông Wallace cho biết ông buồn vì diễn biến tối hôm qua. Ông nói: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng tranh luận sẽ đi chệch hướng như thế”.
Trong hai cuộc tranh luận tiếp theo, ông Wallace sẽ chuyển giao công việc cho người khác. Đó là Steve Scully, biên tập viên chính trị mạng truyền hình C-SPAN và sau đó là Kristen Welker, phóng viên phụ trách Nhà Trắng của kênh NBC News.
Liệu hai người này có cơ hội tốt hơn trong kiểm soát hai ứng viên hay không? Hiện chưa ai rõ điều này. Trước đó, ông Wallace, một nhà báo lão làng trong kênh truyền hình Fox News, cũng được cho là có cơ hội tốt. Thế nhưng, ông đã điều phối một cuộc tranh luận hỗn loạn.
Thể thức mới
Thay đổi này là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Cuộc tranh luận tiếp theo vào ngày 15/10 ở Miami (bang Florida) sẽ diễn ra trong tòa thị chính – nơi các ứng viên tiếp nhận câu hỏi từ cử tri thay vì điều phối viên. Tại đây, không khí thường sẽ không quá trịnh trọng. Trong các cuộc tranh luận trước đại dịch COVID-19, các ứng viên ngồi gần cử tri thay vì đứng sau bục phát biểu.
Theo sử gia Smith, cách thức tranh luận trong tòa thị chính có thể có lợi cho hai ứng viên lần này và có thể khiến các ứng viên phải giữ chút lịch sự. Bà nói: “Trong cuộc tranh luận đầu tiên, họ chỉ nhìn ông Chris Wallace, còn cả căn phòng khá tối”.
Hủy tranh luận
Một số cử tri và chuyên gia sau khi xem cuộc tranh luận đầu tiên đều nghĩ rằng không đáng tổ chức các sự kiện này. Khi diễn ra màn “so găng” tối 29/9, Twitter tràn ngập lời cầu xin hủy hoàn toàn hai cuộc tranh luận sắp tới.
Người dẫn chương trình CNN Wolf Blitzer nói chỉ vài phút sau khi kết thúc cuộc tranh luận: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đây là cuộc tranh luận cuối cùng giữa Tổng thống Mỹ và cựu Phó tổng thống Mỹ”.
Nhà báo Frank Bruni ở tờ Washington Post viết: “Vì lợi ích nền dân chủ, hãy hủy tranh luận Trump-Biden”. Lời kêu gọi này cũng được tờ Washington Post, Slate và The Atlantic hưởng ứng.
Dù vậy, cũng có người bảo vệ các cuộc tranh luận, trong đó có sử gia Smith. Bà nói: “Tôi cho rằng hủy tranh luận sẽ là bước đi sai hướng. Giống như thừa nhận thất bại vào thời điểm này. Tranh luận là cách hữu ích để thể hiện kỹ năng của các ứng viên, để nhìn rõ hơn về chính sách của họ. Tôi cho rằng không nên giảm đối thoại dân chủ, cho dù đối thoại có to tiếng”.
Theo kế hoạch, hai cuộc tranh luận sẽ diễn ra ngày 15/10 và 22/10 và Ủy ban Tranh luận Tổng thống sẽ thông báo quy định mới trong tuần này.