Bốn nhóm giải pháp chính ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện ngay 4 giải pháp chính.
Chính phủ vừa tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện ngay 4 giải pháp chính.
Thứ nhất là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị khiếu nại tố cáo của người dân theo đúng quy định.
Đồng thời, phải đề cao trách nhiệm nêu gương gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính; Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vững vàng về chính trị tư tưởng, trong sáng về đạo đức lối sống, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.
Chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp…
Thứ hai là cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động, đổi mới công nghệ quản lý. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát, khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết, sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.
Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật; công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên trang thông tin điện tử và trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức.
Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử từ cấp trung ương đến địa phương; đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trở lên; khắc phục những hạn chế, hình thức tại một số trung tâm dịch vụ hành chính công; tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến…).
Thứ ba là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng và Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm cũng cần phải được triển khai quyết liệt.
Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát phát hiện vi phạm; Tiếp tục tiến chỉnh hoạt động thanh tra kiểm tra, nhất là thanh tra kiểm tra chuyên ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo gây phiền hà sách nhiễu trong hoạt động thanh tra kiểm tra.