Brazil đe dọa tẩy chay sản phẩm của Pháp
Ngày 29/10, các nhà sản xuất đậu nành Brazil cho biết sẽ tẩy chay tất cả các sản phẩm của Danone sau khi tập đoàn của Pháp này thông báo ngừng tìm nguồn cung ứng đậu nành từ Brazil.
Thông tin này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Giám đốc Tài chính Danone, Jurgen Esser, thông báo đã mua đậu nành từ các nước châu Á và ngừng nhập khẩu đậu nành từ Brazil, trước quy định của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các công ty phải chứng minh sản phẩm không có xuất xứ từ đất bị phá rừng.
Aprosoja Brazil, một nhóm đại diện cho nông dân Brazil, quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, ra tuyên bố chỉ trích động thái của Danone cho thấy sự “thiếu hiểu biết” về quy trình sản xuất của Brazil và là “sự phân biệt đối xử”.
Quy định chống phá rừng của EU (EURD), ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên liệu thô như ca cao, cà phê và đậu nành của Brazil, dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12/2024, tuy nhiên Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã đề xuất hoãn thực hiện trong vòng 12 tháng. Các công ty như Nestlé và Unilever đã chuẩn bị tuân thủ các quy định mới của EURD bởi không muốn phải đối mặt với mức phạt có thể lên tới 20% doanh thu.
Pháp luật Brazil quy định nông dân phải bảo tồn từ 20% đến 80% khu vực đất canh tác nguyên sinh, tùy thuộc vào quần thể sinh vật nơi họ trồng trọt. Tuy nhiên, tỷ lệ phá hủy rừng nhiệt đới ở nước này vẫn ở mức cao mặc dù dưới thời Tổng thống Lula da Silva tình trạng phá rừng để canh tác nông nghiệp đã giảm đáng kể.
Mặc dù các nhà sản xuất đậu nành chủ chốt ở Brazil đã cam kết ngừng cung ứng đậu nành từ những vùng đất mới được phát quang trong rừng nhiệt đới Amazon, nhưng việc trồng đậu nành vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng ở vùng thảo nguyên Cerrado, với diện tích lên tới 1,9 triệu km2 gần khu rừng lớn nhất thế giới.
Aprosoja khẳng định mặc dù có nạn phá rừng, nhưng cũng có rất nhiều hoạt động tái trồng rừng ở Brazil. Tổ chức này cũng đề nghị Chính phủ Brazil khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tìm kiếm "các biện pháp đền bù" từ EU, vì nông dân Brazil hiện đang chịu thiệt hại do luật pháp châu Âu.
Danone là một công ty thực phẩm đa quốc gia của Pháp có trụ sở chính tại Paris. Các sản phẩm sữa của Danone rất nổi tiếng trên thế giới.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/brazil-de-doa-tay-chay-san-pham-cua-phap/351726.html