Bức tranh u ám của ngành dệt may
Doanh thu thuần năm 2020 của các công ty dệt may lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ chỉ đạt khoảng 90% mức doanh thu năm ngoái. Không chỉ trong năm nay mà kể cả sang năm 2021, ngành dệt may được dự báo sẽ phục hồi chậm.
Nửa đầu năm 2020 là thời gian khó khăn đối với các công ty dệt may, trước tiên là do sự giãn đoạn của chuỗi cung ứng (đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc) và sau đó là do việc hủy đơn đặt hàng của khách hàng Mỹ và Châu Âu, bắt đầu từ giữa tháng 3.
Do đó, quý 2, đặc biệt là vào tháng 4 và tháng 5 có thể là quý xấu nhất đối với ngành dệt may. Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may có thể giảm 16% so với cùng kỳ trong năm 2020, tương ứng với mức giảm 18% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2020.
Trong cuộc khảo sát lần thứ 4 do Liên đoàn các nhà sản xuất dệt may quốc tế (ITMF) thực hiện từ ngày 20/5 đến 8/6 trên 600 nhà sản xuất cho thấy các đơn đặt hàng tại thời điểm thực hiện khảo sát giảm 42% so với cùng kỳ, và kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước tính giảm 32% so với cùng kỳ.
Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều ước tính giảm lợi nhuận trong năm 2020. Chẳng hạn Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) dự kiến giảm 13%, May Việt Tiến dự kiến giảm tới 80%, May 10 giảm 20% trong kịch bản cơ sở và giảm 39% lợi nhuận trong kịch bản xấu nhất.
Thị trường nội địa hiện có quy mô nhỏ (chỉ chiếm 10% đối với năng lực ngành dệt may), trong khi dịch bệnh Covid-19 đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng với giảm chi tiêu của hộ gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh là lương thực, thực phẩm chứ không phải quần áo.
Tiêu thụ hàng may mặc tại thị trường nội địa năm 2020 dự kiến tăng không quá 5%, tương đương khoảng 200 triệu - 250 triệu USD, con số này quá nhỏ so với quy mô xuất khẩu hơn 39 tỷ USD năm 2019 của doanh nghiệp dệt may cả nước.
Để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm may mặc, nhiều công ty dệt đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá trị thị trường của khẩu trang vải khá thấp, hoạt động sản xuất khẩu trang chủ yếu nhằm tạo việc làm cho công nhân hơn là tạo ra lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh.
SSI Research nhận định, không chỉ trong năm 2020, mà kể cả sang năm 2021, ngành dệt may vẫn sẽ phục hồi chậm. Doanh thu thuần của các công ty dệt may lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ chỉ đạt khoảng 90% mức doanh thu 2019, với kỳ vọng về doanh thu lẫn lợi nhuận sẽ phục hồi so với mức cơ sở thấp của năm 2020.
Chẳng hạn, Dệt may Thàn Công có thể chỉ đạt doanh thu thuần 3.473 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 2,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 199 tỷ đồng, tăng 3,3%. Mức tăng trưởng một con số thấp là do SSI Research ước tính rằng sự thiếu hụt các đơn đặt hàng đối với các sản phẩm phòng chống dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp lớn khác như Sợi thế kỷ (STK) hay May sông Hồng (MSH) đều dự kiến lợi nhuận, được thúc đẩy nhờ nhu cầu tăng và giá bán cao hơn.
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng phải ở nhà nhiều trong đại dịch Covid-19 còn tạo ra sự thay đổi thói quen tiêu dùng hướng đến các sản phẩm athleisure (đồ thể thao đa dụng) và đồ cơ bản, cùng với sự tăng trưởng mạnh của kênh bán hàng trực tuyến. Những yếu tố trên dự kiến sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng chung của ngành sau đại dịch.
Theo Euromonitor, doanh thu bán lẻ quần áo thể thao ước tính giảm 7,3% so với cùng kỳ trong năm 2020, tích cực hơn so với mức ước tính giảm doanh thu bán lẻ hàng may mặc nói chung (giảm 13,8%), chủ yếu nhờ vào nhu cầu đối với quần áo tiện dụng và thoải mái.
Trong số các nhà bán lẻ thời trang trên toàn cầu, đồ Hanesbrands (đồ nội y và quần áo ở nhà) và Lululemon (quần áo thể thao) có kết quả tốt hơn so với các công ty cùng ngành trong mùa dịch bệnh. Điều này có thể hỗ trợ cho một số công ty như May Sông Hồng, khi công ty này có 30% doanh thu của công ty đến từ nhóm mặt hàng này với thương hiệu Haddad và Columbia Sportswear.
Trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến, mặc dù các nhà sản xuất trong nước hầu như không có khả năng trực tiếp bán hàng trực tuyến tại các thị trường xuất khẩu, song SSI Research cho rằng họ có thể nỗ lực để giành thêm đơn hàng từ các thương hiệu được hưởng lợi từ các xu hướng mới hậu Covid-19.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/buc-tranh-u-am-cua-nganh-det-may-1600792384560.htm