Bức tường lửa thiển cận của Mỹ
Càng gần đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ thì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump càng muốn tạo ấn tượng với cử tri bằng những đòn đánh mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc.
Những đòn đánh này được công bố gần như mỗi tuần: sau việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và phát biểu kích động chống Trung Quốc của Ngoại trưởng Mike Pompeo, hồi tuần trước Trump đã ký ban hành sắc lệnh mới với mục đích nhấn chìm ngành công nghệ Trung Quốc.
Sắc lệnh của Trump chống lại TikTok, mạng xã hội video thành công trên toàn thế giới đầu tiên của Trung Quốc. Cty ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng với hơn 800 triệu người dùng trên thế giới này - trong đó có khoảng 80 triệu người dùng tại Mỹ - có 45 ngày để bán lại TikTok cho một Cty Mỹ.
Nếu không, tất cả các giao dịch với ByteDance sẽ là bất hợp pháp và ứng dụng này sẽ bị cấm trên thực tế. Điều tương tự cũng áp dụng cho ứng dụng WeChat, theo đó mục tiêu nhắm tới không phải là bản thân ứng dụng này mà là Cty mẹ Tencent.
Tập đoàn này hiện không chỉ là một trong những tập đoàn có giá trị nhất ở châu Á mà còn nắm giữ CP lớn trong các Cty Mỹ như Tesla, Universal và Snapchat.
Tencent- gã khổng lồ công nghệ toàn cầu
Washington từ lâu đã rất quan tâm và đầy lo lắng với sự vươn mình mạnh mẽ ra toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc- Tencent. Trong 5 năm tới, tập đoàn này có kế hoạch đầu tư khoảng 70 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm các ứng dụng, phần mềm, trung tâm dữ liệu, máy chủ, siêu máy tính, cơ sở hạ tầng di động 5G, blockchain, điện toán đám mây, an ninh mạng, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo.
Thậm chí còn hơn cả Huawei, tập đoàn toàn cầu đến từ TP Thâm Quyến này có đủ điều kiện cần thiết để tạo ra những ứng dụng mới đe dọa về lâu dài vị thế công nghệ đầu tàu của Mỹ.
Tencent cũng đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia công nghệ hàng đầu của thế kỷ 21. Tập đoàn này đã được hưởng lợi nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác từ việc các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook và Google bị loại sớm khỏi thị trường Trung Quốc.
Ngược lại, WeChat hiện được chính phủ Trung Quốc sử dụng rộng rãi cho các mục đích tuyên truyền và giám sát công dân. Trong giới trẻ Trung Quốc, đặc biệt là những người đến từ Hong Kong, ứng dụng này được gọi một cách mỉa mai là "WeCheck".
Trump vẫn tuyên bố rằng các lệnh cấm của ông là để bảo vệ an ninh mạng của Mỹ. Những rõ ràng các lệnh cấm này chỉ là đòn đánh đầu tiên trong cuộc chiến công nghệ đang diễn ra khốc liệt nhằm tranh giành kiểm soát quyền lực toàn cầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đó là cuộc chiến mà cuối cùng sẽ chỉ có những kẻ thua cuộc. Một ví dụ là, nếu kho ứng dụng App-Store của Apple không thể cung cấp ứng dụng WeChat nữa thì doanh số bán điện thoại thông minh iPhone ở Trung Quốc cũng sẽ giảm, bởi vì nếu iPhone không có WeChat thì đơn giản là sẽ không thích hợp với người dùng Trung Quốc.
Các lệnh cấm giao dịch nguy hiểm
Apple chỉ có 9% thị phần tại Trung Quốc trong quý II-2020, nhưng doanh số bán hàng của tập đoàn này đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, nằm trong top 5 DN có sự tăng trưởng so với năm ngoái. Với lệnh cấm của Trump, thị phần tại thị trường Trung Quốc có thể nghiêng về hướng có lợi cho các nhà cung cấp nội địa nước này.
Từ đầu năm tới nay, Huawei đã vươn lên là nhà cung cấp ĐTDĐ lớn nhất thế giới, xếp trên cả Samsung và Apple. Ngoài ra, rất nhiều Cty Mỹ, từ Walmart đến Coca Cola, đều dựa vào WeChat để quảng bá sản phẩm của họ ở Trung Quốc. Điều đó cũng có thể sẽ nhanh chóng bị chặn lại.
Sự suy yếu của các DN Mỹ như thế chỉ là một trong nhiều hệ quả mà Trump, với sự thiển cận của mình, không muốn nhìn thấy trước. Không phải ngẫu nhiên mà TikTok lại có thể hoạt động tại 175 thị trường trên toàn thế giới với 65 ngôn ngữ khác nhau. Với những video giải trí dài 15 giây, ứng dụng này đang định hình một xu hướng mới rất khác so với các ứng dụng khác.
Những kẻ bắt chước
Người Trung Quốc có nhiều kẻ bắt chước. Mạng xã hội Instagram của Mỹ đã cho ra mắt tính năng cạnh tranh trực tiếp với TikTok, có tên là Reels, được sao chép rõ ràng từ TikTok. Nền tảng trực thuộc Facebook không giấu giếm điều này: TikTok đã "thực hiện một công việc rất ấn tượng để đưa ứng dụng này tiến lên," GĐ sản xuất của Istagram Vishal Shah cho biết.
Tuy nhiên một điều rõ ràng là, nếu không có cộng đồng sáng tạo, tầm ảnh hưởng và các thuật toán thông minh, những điều không chỉ giữ chân những người dùng cũ mà còn truyền cảm hứng cho những người dùng mới, thì mọi đối thủ của TikTok chỉ như "con vịt què." Một ví dụ là, đối thủ cạnh tranh với TikTok đến từ Facebook có tên là Lasso, đã phải bỏ cuộc chơi do không được người dùng quan tâm.
Do người Mỹ khó có thể nhanh chóng đưa ra một sự thay thế thành công tương tự nên Trump đang hướng tới việc tạo điều kiện cho một DN Mỹ thâu tóm TikTok. Ông biết rằng một lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok sẽ chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và cho chính bản thân ông, vì ông sẽ mất đi nhiều cử tri - những người yêu thích TikTok.
Công nghệ tốt sẽ luôn tìm ra hướng đi cho mình. Và một điều hiển nhiên rằng, nếu chủ sở hữu Bytedance buộc phải bán TikTok cho một Cty Mỹ, Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra biện pháp trả đũa đối với một Cty Mỹ ở Trung Quốc.
Rõ ràng, Mỹ không còn có thể ra lệnh cho phần còn lại của thế giới rằng phải áp dụng luật chơi nào, ngay cả khi Donald Trump khao khát điều đó.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/buc-tuong-lua-thien-can-cua-my-206146.html