Bùi Kim Quy với 'Trăng biên cương'
Nhà thơ Bùi Kim Quy, sinh năm 1948, dân tộc Mường, quê ở thôn Ngọc Long, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành. Ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Nhắc đến Bùi Kim Quy, nhiều người biết đến ông với các tác phẩm trường ca, truyện thơ, tập thơ viết về người lính, đồng bào dân tộc thiểu số, ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước. Ông đã cho ra đời những tác phẩm tiêu biểu như: Rẻo đất đen (trường ca, xuất bản năm 1995); Vòng tay núi (tập thơ, xuất bản năm 1997); Trường ca Sông Bưởi (xuất bản năm 2003); Tiếng súng Ngọc Trạo (truyện thơ, xuất bản năm 2006)... Năm 2022, ông tiếp tục cho ra đời tập thơ “Trăng biên cương” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Đến thăm nhà thơ xứ Mường Bùi Kim Quy, trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở xã Ngọc Trạo, ông lần giở từng trang thơ còn thơm mùi giấy mới và giới thiệu những vần thơ ấm áp, giản dị với chúng tôi. Tập thơ “Trăng biên cương” gồm 40 bài, được sáng tác với thể loại thơ lục bát và thơ tự do. Mở đầu tập thơ cũng là bài thơ “Trăng biên cương” mà ông tâm đắc và làm tựa đề cho cả tập thơ.
“Đứng gác dưới mùa trăng/ Sông núi biên cương hùng vĩ/ Anh chiến sĩ biên phòng/ Thức cùng trăng"... Bài thơ đã lột tả hình ảnh đẹp của ánh trăng cũng như vẻ đẹp của người lính khi đứng gác nơi biên cương. Đồng hành cùng ánh trăng và người lính còn là hình ảnh người con gái e ấp, dịu dàng: “Em là vầng trăng kia/ Hẹn những mùa yên ả/ Yêu thương và nền nã/ Nghiêng về anh”. Vượt qua mọi khó khăn, người lính vẫn cầm chắc cây súng giữ bình yên nơi biên cương, bài thơ không chỉ là tình yêu người lính cho biên cương Tổ quốc, mà còn là tình yêu thủy chung của người con gái dành cho người lính. Đọc tập thơ tôi còn ấn tượng bởi lời thơ dung dị, mộc mạc của những bài như: “Nơi biên giới nghe bài ru Việt”, “Tiếng hát của người Mông”, “Biên giới mùa xuân về”...
Từng là người lính đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường, vì vậy suốt quá trình sáng tác của mình ông luôn dành thời gian để viết về hình tượng người lính, chiến trường. Sau này, khi trở về quê hương ông năng đi, năng viết và thường xuyên đến với bà con vùng cao xứ Thanh, vì vậy những bài thơ do ông sáng tác đều rất đời thường, là hình ảnh người lính trong thời bình, là người dân vùng cao đoàn kết, chung tay xây dựng bản làng no ấm.
Nhà thơ Bùi Kim Quy cho biết: Tôi theo đuổi đề tài vùng cao biên giới đã lâu. Có vài lần đi thực tế sáng tác ở vùng cao biên giới, đến thăm một số đồn biên phòng, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tôi cảm nhận được những khó khăn, gian khổ, vất vả, nhưng các chiến sĩ vẫn không quản ngại để giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tôi cũng là một người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì vậy tôi rất hiểu và cảm thông sâu sắc với các chiến sĩ biên phòng. Đi qua các vùng quê rẻo cao của đồng bào dân tộc thiểu số, nơi nào cũng để lại cho tôi ấn tượng và những kỷ niệm đẹp đẽ. Đó là cảm xúc để tôi viết và xuất bản tập thơ “Trăng biên cương”.
Đọc “Trăng biên cương”, bên cạnh những bài thơ về người lính, về vùng cao xứ Thanh, tinh thần lao động, sản xuất hăng say xây dựng quê hương trong tình quân dân thắm thiết, tập thơ còn là những bài thơ cảm nhận về tình yêu quê hương, đất nước; những địa điểm du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng của quê hương Thanh Hóa và cả một số tỉnh, thành như: Một thoáng Yên Tử; Về Thác Mây; Về thăm thành cổ; Viết ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; Hạ Long và tôi...
Ở tuổi 75, nhà thơ Bùi Kim Quy vẫn còn minh mẫn, hào sảng, cuộc sống dẫu còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng ông luôn dành tình yêu cho thơ ca. Những vần thơ của ông được chắt lọc từ những chuyến đi, từ sự cảm nhận đổi thay của quê hương, đất nước, lời thơ như chất chứa, tự tình, giản dị mà thấm đẫm tình đời, tình người. Cầu chúc cho ông luôn khỏe mạnh để tiếp tục dâng cho đời những vần thơ hay. Để mỗi người khi nhắc về ông là nhớ về một nhà thơ xứ Mường chân chất, giản dị, với lời thơ mộc mạc như chính cuộc đời ông, như ông từng thổ lộ trong những vẫn thơ: Tôi là anh thương binh/ Về quê hương mở tiếp những đường cày/ Tôi hiểu bản tôi những ngày đánh giặc/ Máu đổ xuống cho đất hồng gương mặt/ Mồ hôi tuôn cho ngô lúa hát reo”...