Bước đi nguy hiểm

Trong bối cảnh Israel đang có nguy cơ phải tổ chức cuộc bầu cử lần 3 trong vòng 12 tháng, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đang thúc đẩy kế hoạch sáp nhập Thung lũng Jordan nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri cánh hữu. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia Arab láng giềng phản đối ý định này và coi đây là bước đi nguy hiểm, đe dọa tương lai hòa bình ở Trung Đông.

Ngày 2-12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng sáp nhập Thung lũng Jordan. Theo tờ Times of Israel, ông Benjamin Netanyahu cho rằng, có những "cơ hội lịch sử" phải được giành lấy. Người đứng đầu Chính phủ Israel nêu rõ: "Tôi đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump và đây là một cuộc trao đổi rất quan trọng đối với an ninh của Israel. Chúng tôi đã trao đổi về cơ hội lịch sử, trong đó có việc Thung lũng Jordan được công nhận là biên giới phía Đông của Nhà nước Israel, cũng như về hiệp ước quốc phòng với Mỹ". Ông Netanyahu không tiết lộ Tổng thống Mỹ đã phản ứng như thế nào về những “cơ hội" này.

 Thung lũng Jordan - vùng đất chiếm 30% diện tích khu Bờ Tây. Ảnh: AP.

Thung lũng Jordan - vùng đất chiếm 30% diện tích khu Bờ Tây. Ảnh: AP.

Thông báo trên được ông Netanyahu đưa ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo 70 tuổi này đang phải đối mặt với những tin tức bất lợi vì bị truy tố trong 3 cuộc điều tra tham nhũng riêng biệt, được cảnh sát nước này lần lượt đặt tên là vụ 1000, vụ 2000 và vụ 4000. Ngày 2-12, Tổng chưởng lý Israel Avichai Mendelblit đã chuyển quyết định về việc truy tố Thủ tướng Netanyahu cho Chủ tịch Quốc hội Yuli Edelstein. Với động thái này, ông Netanyahu chính thức có 30 ngày để yêu cầu các nghị sĩ Quốc hội thông qua quy chế miễn trừ nhằm không phải ra tòa trước 3 cáo buộc. Việc bị truy tố trong 3 vụ án riêng rẽ đã phủ bóng lên tương lai chính trị của Thủ tướng Netanyahu dù ông phủ nhận các cáo buộc. Những người đồng minh của ông đang muốn tìm một nhân vật mới giữ ghế lãnh đạo Đảng Likud do lo ngại nếu ông Netanyahu vẫn tiếp tục giữ ghế chủ tịch, vụ việc trên sẽ khiến vị thế của đảng này suy yếu trong trường hợp Israel phải tiến hành cuộc bầu cử thứ ba. Trong bối cảnh này, việc Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy kế hoạch sáp nhập Thung lũng Jordan được cho là động thái thu hút cử tri cánh hữu tại Israel.

Theo AFP, thung lũng Jordan chiếm gần 30% diện tích lãnh thổ Bờ Tây, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Israel từ năm 1967 sau chiến tranh 6 ngày. Đây là nơi cư trú của khoảng 65.000 người Palestine cùng với hơn 10.000 người Israel sống rải rác trong các khu định cư. Israel nhiều lần nói sẽ không từ bỏ kiểm soát Thung lũng Jordan, trong khi người Palestine cho rằng, khu vực này phải là một phần của quốc gia tương lai của mình.

Hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ ngay lập tức sáp nhập Thung lũng Jordan, vùng lãnh thổ mà Israel xem là có giá trị thiết yếu về an ninh. Theo ông Netanyahu, đây sẽ là một bước đi lịch sử nếu Israel áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ chiếm đóng ở khu Bờ Tây. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này, Đảng Likud chỉ giành 32 ghế trong Quốc hội 120 ghế nên không đủ đa số quá bán để tự thành lập chính phủ. Sau khi phải tổ chức bầu cử quốc hội hai lần chỉ trong vòng 5 tháng (tháng 4, tháng 9 vừa qua) và đến nay vẫn chưa thể thành lập được chính phủ mới, Israel đang có nguy cơ phải trải qua cuộc bầu cử lần thứ ba trong năm nay.

Kế hoạch sáp nhập thung lũng Jordan của ông Netanyahu bị đánh giá là một bước đi nguy hiểm, cản trở tiến trình hòa bình Trung Đông và gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi Thủ tướng Israel công bố kế hoạch sáp nhập vùng đất này, Palestine đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo rằng, tất cả các thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Israel sáp nhập thung lũng Jordan. Nhà lãnh đạo Palestine khẳng định, Palestine khẳng định một nhà nước độc lập trong tương lai không thể thiếu thung lũng Jordan. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, kế hoạch của Thủ tướng Israel nếu được triển khai sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hủy hoại cơ hội khôi phục đàm phán và hòa bình khu vực cũng như phá hoại nghiêm trọng khả năng tiến tới giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/buoc-di-nguy-hiem-604373