Bước nhảy mới trên hành trình không gian

Cuối tháng 5 vừa qua, New Zealand chính thức công bố Chính sách Vũ trụ quốc gia mới, mà theo mô tả của Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Barbara Edmonds là 'bước nhảy vĩ đại tiếp theo trong hành trình không gian của New Zealand'. Nó phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của quốc gia trong hệ sinh thái không gian toàn cầu và nhận thức thực tế về các mối đe dọa đối với hệ sinh thái đó.

Giá trị cốt lõi của chính sách

Thông báo được đưa ra 3 tuần sau khi New Zealand và Mỹ ký kết thỏa thuận khung về hợp tác vũ trụ nhằm tạo cơ hội phát triển cho lĩnh vực không gian New Zealand, đồng thời thúc đẩy kết nối với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). New Zealand hiện là bên ký kết thứ 11 của Hiệp ước Artemis, qua đó sẽ hỗ trợ các kế hoạch của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 và thực hiện sứ mệnh lịch sử lên sao Hỏa.

Nguồn: New Zealand Space Agency

Nguồn: New Zealand Space Agency

Bộ trưởng Edmonds cho biết, chính sách mới đang “trình bày bức tranh rõ ràng và có tính kết nối về lợi ích không gian của New Zealand với thế giới”, thể hiện quyết tâm và động lực phát triển lĩnh vực khoa học này ở đất nước Kiwi. Trước đó, vào tháng 9.2022, Chính phủ New Zealand từng công bố hoài bão biến công nghiệp vũ trụ thành ngành “mũi nhọn” của quốc gia. Theo Bộ trưởng, lĩnh vực không gian, vũ trụ của New Zealand đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, khi nước này đang trở thành địa điểm ngày càng thu hút các dự án phóng tàu vũ trụ, sản xuất công nghệ và nghiên cứu khoa học về vũ trụ.

Trên thực tế, New Zealand là quê hương của cả nhà sản xuất hệ thống phóng vệ tinh Dawn Aerospace (một trong những công ty vũ trụ tư nhân phát triển nhanh nhất thế giới) và nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa Rocket Lab nổi tiếng. Theo báo cáo của Deloitte năm 2019, nền kinh tế vũ trụ của New Zealand có doanh thu ước tính là 1,75 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2019, đóng góp trực tiếp và gián tiếp đáng kể cho nền kinh tế của đất nước trong khi tạo ra 12.000 việc làm toàn thời gian.

Chính sách mới về vũ trụ của New Zealand tập trung vào hai mục tiêu chính. Đó là đưa ra các giá trị mà Chính phủ đang cân nhắc để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ và để đạt được nhiều mục tiêu tiêu đề ra.

Giá trị đầu tiên là về trách nhiệm quản lý. New Zealand đặt mục tiêu “bảo tồn lợi ích của môi trường không gian và Trái đất cho các thế hệ tương lai”, “ủng hộ việc sử dụng không gian bền vững” và sử dụng không gian để “hiểu môi trường Trái đất và quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt hơn”. Tiếp theo là giá trị về đổi mới. New Zealand muốn sử dụng không gian để “khuyến khích đổi mới có trách nhiệm, khoa học và công nghệ”, tập trung vào hợp tác với “các công ty trong lĩnh vực vũ trụ và các chính phủ khác”.

Trách nhiệm là giá trị thứ ba. Vì “không gian bên ngoài được chia sẻ bởi toàn nhân loại”, New Zealand sẽ hành động trên trường quốc tế để hướng tới “môi trường không gian hòa bình, bền vững, an toàn và bảo đảm”. Và giá trị cuối cùng là về quan hệ đối tác. Ngoài việc hợp tác với các tổ chức và ngành công nghiệp vũ trụ quốc tế, Chính phủ New Zealand cũng có kế hoạch củng cố quan hệ đối tác với công chúng và với người Maori bản địa.

Nhiều mục tiêu hoài bão

Những giá trị trên được kết hợp với một loạt mục tiêu, được ban hành trong khuôn khổ chính sách nhằm tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và quốc gia của người bản địa, bao gồm “công nhận và phản ánh các lợi ích của người Maori”, cũng như hỗ trợ các lợi ích của Chính phủ.

Những mục tiêu đó bao gồm: “Phát triển lĩnh vực vũ trụ sáng tạo và toàn diện.” Điều này không chỉ thông qua việc khai thác “lợi ích tự nhiên cho các hoạt động không gian” của New Zealand, vốn là “một trong những góc phóng rộng nhất thế giới để phóng tên lửa”, mà còn tạo ra và xây dựng quan hệ đối tác nhiều nhất có thể. Theo chính sách, một phần trong đó là quan hệ đối tác trong nước, đặc biệt là hướng tới xây dựng sự đa dạng trong ngành vũ trụ, nhưng cũng liên quan đến việc khuyến khích và phát triển quan hệ đối tác quốc tế.

Mục tiêu tiếp theo là “bảo vệ và thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của New Zealand.” Theo Chính phủ nước này, nền kinh tế đất nước đang ngày càng phụ thuộc vào các tài sản trên không gian và an ninh quốc gia cũng phụ thuộc vào chúng. Việc bảo vệ những tài sản đó sẽ đòi hỏi sự hiểu biết và quản lý tốt hơn về “nhiều loại rủi ro về bảo mật trong không gian”. Chính sách mới nhấn mạnh đến quan hệ hợp tác và đối tác vì New Zealand là nước khá nhỏ và dễ bị tổn thương

“Điều chỉnh để bảo đảm các hoạt động vũ trụ được an toàn và bảo mật” cũng là mục tiêu quan trọng được viết trong chính sách vũ trụ quốc gia. Đề cập đến Luật Về hoạt động ngoài không gian và tầm cao năm 2017 của New Zealand, Chính phủ đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực vũ trụ, nhưng song song với đó là quyết tâm ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc lợi ích quốc gia có thể phát sinh từ các hoạt động của lĩnh vực này. Chẳng hạn, New Zealand cực lực lên án và cấm các loại vũ khí chống vệ tinh có tính hủy diệt; bên cạnh đó, nước này nhấn mạnh, việc loại bỏ các mảnh vỡ không gian là ưu tiên chính sách tiềm năng.

Ngoài ra, New Zealand cũng chú trọng đến mục tiêu “thúc đẩy việc sử dụng không gian có trách nhiệm trên phạm vi quốc tế.” Thực tế, New Zealand là thành viên của nhiều hiệp ước quốc tế chính về không gian vũ trụ. Vì thế chính sách mới ghi rõ, với “bối cảnh không gian toàn cầu đã phát triển trong nhiều thập kỷ kể từ khi đạt được các thỏa thuận,” New Zealand đang nỗ lực làm việc để bảo đảm rằng, “khuôn khổ pháp lý quốc tế cho tất cả hoạt động không gian là phù hợp với mục đích. Mục tiêu của đất nước là xây dựng môi trường không gian “hòa bình, bền vững, an toàn và bảo đảm”. Vì thế, chính sách vũ trụ quốc gia nhấn mạnh đến việc đất nước sẽ “hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng” để hiện thực hóa các mục tiêu. Ngoài ra, New Zealand cũng lên kế hoạch “hợp tác quốc tế để khám phá không gian và giám sát Trái đất”.

“Mô hình hóa không gian bền vững và môi trường Trái đất” tiếp tục là mục tiêu quan trọng khác. Chính sách mới xác định ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng của vệ tinh đối với thiên văn học và các tác động môi trường khác của các chuyến bay vào vũ trụ là những vấn đề “cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ”. Ngoài ra, nó còn đề cập đến kế hoạch sử dụng các nguồn lực dựa trên không gian để “giải quyết các thách thức về tính bền vững” và đầu tư vào các công nghệ vũ trụ bền vững. Chính sách cũng cho biết, New Zealand cam kết tăng cường quan hệ đối tác với người Maori và tìm kiếm “sự hợp tác toàn diện với các cá nhân hoặc các nhóm, vốn đang bị đánh giá thấp trong lĩnh vực không gian”.

Theo ông Dimitri Geidelberg, Trưởng nhóm chính sách tại Cơ quan Vũ trụ New Zealand, chính sách mới “vừa xác nhận các ưu tiên hiện tại của New Zealand, vừa đặt ra ý định của đất nước đối với tương lai”. Ông nói, phần lớn trong số đó thực sự đã mã hóa “các giá trị và thông lệ đã hướng dẫn cho công việc của chúng tôi kể từ năm 2016”, khi Cơ quan Vũ trụ New Zealand được thành lập.

Ông Geidelberg nói thêm, bốn giá trị được đề cập trong chính sách sẽ được “phản ánh và thúc đẩy trong các hoạt động không gian, các cam kết và việc sử dụng công nghệ vũ trụ của New Zealand”. Chúng sẽ tác động đến cách các cơ quan chính phủ của New Zealand sẽ làm việc nhằm đạt được các mục tiêu chính sách được nêu.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-nhay-moi-tren-hanh-trinh-khong-gian-i332203/