Bước tiến mới ở huyện nghèo nhất của tỉnh Lâm Đồng
Từng nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước, huyện vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng nay đã có sự đổi thay rõ rệt.
Ở huyện nghèo nhất của tỉnh Lâm Đồng không chỉ tỷ lệ hộ nghèo giảm, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị ổn định mà các thiết chế văn hóa cũng đã được nâng lên so với trước. Có được kết quả này là nhờ triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách ưu tiên đầu tư vùng dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực.
Những năm về trước, mặc dù diện tích đất sản xuất không thiếu, nhưng do chưa biết cách làm ăn, vườn cà phê của gia đình cằn cỗi, cho năng suất kém nên cuộc sống gia đình ông Ha Sắc, ở thôn 4, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng luôn rơi vào cảnh khó khăn. Từ ngày được hưởng lợi Nghị quyết 30a về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, gia đình ông được tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật tư nông nghiệp, cách ghép cải tạo cà phê giống mới... năng suất cây trồng không ngừng tăng lên hàng năm. Riêng trong vụ cà phê vừa qua, gia đình ông thu hoạch được gần 10 tấn cà phê nhân, lãi ròng trên 200 triệu đồng. Gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có điều kiện kinh tế khá.
Ông Ha Sắc, nói: “Thời gian qua, nhờ được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình đã mạnh dạn ghép cải tạo lại vườn cà phê, trồng lại cà phê giống mới... Từ đó kinh tế gia đình từng bước được ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học đàng hoàng. Cảm ơn đảng và nhà nước đã quan tâm tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa như chúng tôi”.
Cùng với nguồn vốn trên 500 tỷ đồng từ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, Đam Rông còn được ưu tiên đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số... Trong đó, chủ yếu hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Theo ông Dương Tất Phong, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, cùng với việc hỗ trợ sản xuất cho người dân, huyện còn chú trọng giải quyết nhà ở, hỗ trợ sinh kế, vốn vay, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mở lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm từ trên 50% vào năm 2010 xuống còn 6,9% vào cuối năm 2022, và hiện tính theo tiêu chí mới đa chiều là 19,3%.
“Thời gian vừa qua, Đảng và nhà nước đã quan tâm rất nhiều về công tác giảm nghèo, đầu tư cơ sở vật chất và sinh kế bền vững cho người dân phát triển kinh tế. Cùng với đó, bằng các nguồn lực, huy động các nguồn vốn xã hội hóa làm nhà cho người nghèo; đầu tư mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ sinh kế cho từng vùng, từng địa bàn và từng đối tượng người nghèo. Nhu cầu họ cần những cái gì thì tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”- ông Phong nói.
Không chỉ công tác giảm nghèo bền vững được thực hiện đạt kết quả ấn tượng, Đam Rông còn định hình được các vùng sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, như mắc ca, sầu riêng, chuối laba, dâu nuôi tằm, cá nước lạnh, rau-hoa các loại... Trong đó, có 840ha diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Theo ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, kinh tế phát triển thì hệ thống cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm... cũng được đầu tư đúng mức. Điều đáng mừng nhất là nhận thức của nhân dân đã có sự tiến bộ rõ rệt. Những hủ tục lậu hậu đã được đẩy lùi, tư duy trong cách nghĩ, cách làm đã được đổi mới. Đây là bước tiến quan trọng để Đam Rông tiếp tục phát triển đi lên.
“Khi mới thành lập huyện, phong tục tập quán của bà con còn nặng nề. Nặng nhất là các hủ tục lạc hậu như thách cưới, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn... thì bây giờ đã thay đổi nhiều. Giờ đây bà con cũng đã biết lao động sản xuất, trồng dâu nuôi tằm, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Con cháu được cho đi học đàng hoàng, khám chữa bệnh thì có trung tâm, có trạm y tế, có y bác sĩ về tận xã. Chúng tôi thấy có sự thay đổi lớn”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông nói.
Đam Rông là huyện có 65% dân cư là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người K’ho. Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, Đam Rông còn chú trọng phát triển ngành du lịch dịch vụ theo hướng cộng đồng, gắn với bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Đam Rông đang ra sức phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/buoc-tien-moi-o-huyen-ngheo-nhat-cua-tinh-lam-dong-post1044589.vov