Buổi trình diễn hỗn loạn

Tranh luận trên sóng truyền hình giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ (và ứng cử viên đối tác Phó Tổng thống Mỹ) bắt đầu từ năm 1960, là dịp thu hút một lượng lớn người xem, có khi lên tới hàng trăm triệu người, để các ứng cử viên có tài diễn thuyết thuyết phục người xem (cử tri) rằng nên bỏ phiếu cho mình, còn đối thủ chỉ là hạng vứt đi!

Một cảm giác thất vọng toàn tập

“Hỗn loạn”, “thất vọng”, “ngán ngẩm”, “trò hề”..., là phản ứng của nhiều người đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới sau khi chứng kiến cuộc tranh luận đầu tiên được truyền hình trực tiếp giữa hai đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11 tới: đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Cực đoan hơn, có người còn coi đó là “nỗi ô nhục” và nước Mỹ không xứng đáng (phải chịu đựng) một cuộc tranh luận như vậy!

Khoảng 73,1 triệu người Mỹ đã xem trực tiếp cuộc tranh luận diễn ra trên các kênh truyền hình giữa hai ông Donald Trump và Joe Biden. Chừng đó người đã chứng kiến không khí khá thô bạo trong suốt cuộc tranh luận kéo dài 105 phút (dự kiến chỉ 90 phút) diễn ra ở hội trường Trường Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, bang Ohio, khi hai đối thủ tung ra những lời mạt sát, công kích dữ dội nhằm vào nhau, vượt quá xa so với khuôn khổ của một cuộc tranh luận giữa hai nhà chính trị hàng đầu nước Mỹ, hai ông già đều đã hơn 70 tuổi.

Đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Bên cạnh những quy định rắc rối về thể lệ bầu cử tổng thống ở nước Mỹ như hệ thống phiếu bầu của các “đại cử tri”, điều khiến cho một ứng cử viên dù có vượt hơn đối thủ hàng triệu phiếu bầu phổ thông nhưng vẫn có thể thua cuộc do kém phiếu “đại cử tri”, tranh luận trên truyền hình là một phần của nền chính trị bầu cử Tổng thống Mỹ.

Mà nền chính trị Mỹ là một nền chính trị rất ưa chuộng sự diễn thuyết.

Tranh luận trên sóng truyền hình giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ (và ứng cử viên đối tác Phó Tổng thống Mỹ) bắt đầu từ năm 1960, là dịp thu hút một lượng lớn người xem, có khi lên tới hàng trăm triệu người, để các ứng cử viên có tài diễn thuyết thuyết phục người xem (cử tri) rằng nên bỏ phiếu cho mình, còn đối thủ chỉ là hạng vứt đi!

Những soi chiếu lịch sử

Lịch sử nước Mỹ từng chứng kiến những ứng cử viên có tài diễn thuyết như John Kennedy hay Barack Obama đã thu phục trái tim (và đương nhiên là cả phiếu bầu) của các cử tri Mỹ bằng khả năng diễn thuyết siêu việt như thế nào.

Không phải bất cứ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào cũng chấp nhận tham dự một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình nếu biết mình không có ưu thế về mặt diễn thuyết hay hình thể so với đối thủ. Richard Nixon là người đầu tiên làm điều này vào năm 1968, sau đó đã thắng cử.

Nhiều cuộc tranh luận trên truyền hình đã góp phần quyết định vào chiến thắng của ứng cử viên có cách trình bày hùng hồn, dí dỏm, chỉ ra những điểm yếu chết người của đối thủ. Chỉ với một câu hỏi: “Các bạn có thấy khá giả hơn so với 4 năm trước không?”, ứng cử viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan đã ghi điểm quyết định trước đối thủ.

Ở chiều ngược lại, những người phạm sai lầm trong các cuộc tranh luận trên truyền hình phải trả giá đắt là thất bại bên thùng phiếu sau đó. Xếp hàng dài thuộc thể loại này là những ứng cử viên như Tổng thống Gerald Ford (1976), ứng cử viên Dân chủ Mike Dukakis (1988), John Kerry (2004), Mitt Romney (2012)...

Nhưng, không phải mọi cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống đều có ý nghĩa quyết định đến cuộc bầu cử. Trước cuộc tranh luận giữa hai ông Trump và Biden, nhiều cuộc thăm dò ý kiến cho rằng phần lớn những người được hỏi đều đã quyết định sẽ bầu cho ai trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 3-11 tới; chỉ một tỷ lệ nhỏ còn chưa quyết định.

Cuộc tranh luận giữa ông Trump với ông Biden là nhằm tác động đến số cử tri còn đang dao động này.

Buổi tối ác mộng của ông Wallace

6 chủ đề của cuộc tranh luận đã được Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ lựa chọn là thành tích của mỗi ứng viên, việc bầu chọn thẩm phán Tòa án Tối cao, các chương trình phát triển kinh tế, cách xử lý đại dịch COVID-19, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố, thái độ của ứng cử viên đối với kết quả bầu cử. Dẫn dắt cuộc tranh luận là Chris Wallace, 72 tuổi (chỉ kém ông Trump có 2 tuổi), một người dẫn chương trình có kinh nghiệm của kênh truyền hình FOX News, vốn được coi là kênh lâu nay ủng hộ ông Trump.

Nhưng, ông Chris Wallace đã phải trải qua một buổi tối ác mộng.

Mặc dù xác định rằng sẽ cố gắng “vô hình” trong cuộc tranh luận để hai đối thủ có thể thoải mái bày tỏ chính kiến của mình về các chủ đề được đưa ra trong cuộc tranh luận nhưng ông Chris Wallace đã không thể làm thế.

Nguyên nhân xuất phát từ chiến lược của ông Trump trong cuộc tranh luận này. Đấy là chiến lược phá rối cực đoan, lấn át đối thủ. Dù đã chuẩn bị từ trước nhưng cái cách ông Trump thể hiện một chiến lược tranh luận gây hấn vẫn khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Đài CBS đếm được rằng trong khoảng 105 phút tranh luận, ông Trump đã 73 lần cắt lời ông Biden!

Thậm chí, trong nhiều thời điểm, ông Trump còn đấu khẩu trực tiếp với Chris Wallace, nói liên tục với người dẫn dắt cuộc tranh luận khiến cho ông này không thể đặt được câu hỏi.

Nhiều lần ông Chris Wallace đã phải nói với ông Trump rằng nên để cho ông Biden nói, rằng ông mới là người cầm trịch và Tổng thống Mỹ đã ngắt lời đối thủ quá nhiều lần. Nhưng, ông Trump bất chấp.

Cuộc tranh luận bị biến thành một buổi trình diễn hỗn loạn.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chiếm một vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị toàn cầu và luôn nằm trong tầm quan sát của dư luận.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chiếm một vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị toàn cầu và luôn nằm trong tầm quan sát của dư luận.

Chiến lược gây hấn có chủ ý của ông Trump

Không khó để nhận thấy chiến lược của ông Trump là “đàn áp” đối thủ ngay từ đầu, chọc tức, buộc đối thủ bực bội để có thể nói hớ hênh và khiến người xem sao nhãng khỏi nội dung của cuộc tranh luận.

Mà đó là những chủ đề khá hóc búa đối với người đứng đầu một nước Mỹ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo do đại dịch COVID-19 gây ra, các cuộc bạo động do vấn đề sắc tộc cũng như chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo, việc đóng thuế cá nhân...

Chiến lược này chỉ thành công một phần khi nó làm ông Biden có những khoảnh khắc mất kiểm soát, gọi ông Trump là “gã hề” hoặc nặng hơn, “ngậm miệng lại đi, ông bạn!”. Tuy nhiên, do được chuẩn bị từ trước, ông Biden không sa vào cái bẫy do đối thủ giăng ra.

Nhìn thẳng vào ống kính, ông Biden cố gắng truyền đến người dân Mỹ những thông điệp mà ông muốn nói, về sự bổ nhiệm vội vàng thẩm phán Tòa án Tối cao của ông Trump (nhằm chiếm đa số có lợi khi thông qua các quyết định), cách xử lý yếu kém của ông Trump đối với dại dịch COVID khiến hơn 200.000 người Mỹ tử vong (ông Trump nói là do Trung Quốc), chính trị hóa việc chế tạo ra vaccine chống SARS-CoV-2, việc che giấu hồ sơ thuế của ông Trump (ông Trump nói đã đóng hàng triệu dollar tiền thuế, đồng thời xoáy vào hoạt động kinh tế của con trai ông Biden ở Ukraine), cáo buộc Tổng thống Trump dung túng cho những hành vi quá khích của các nhóm cực đoan chủ trương lý thuyết dân tộc thượng đẳng (ông Trump cho rằng chính biểu tình của những người cánh tả mới gây ra bạo động buộc ông phải thực thi những biện pháp cực đoan để lập lại trật tự)...

Khi được hỏi là liệu có chuyển giao chính quyền một cách hòa bình khi kết quả bầu cử được công bố (có nghĩa là công nhận kết quả bầu cử), ông Biden khẳng định sẵn sàng chấp nhận, trong khi ông Trump từ chối.

Đây là một thái độ khiến người ta lo âu, đặc biệt là trong bối cảnh các nhóm cực đoan trang bị vũ trang hoành hành ở các thành phố Mỹ trong đợt bạo động vừa qua do cái chết của người đàn ông da màu George Floyd...

Buổi trình diễn mang tính giải trí

Điều khiến những người theo dõi cuộc tranh luận cảm thấy thất vọng chính là việc hai đối thủ đã biến nó thành một cuộc đấu khẩu, nơi mà không một ứng viên nào có đủ thời gian để trình bày những kế hoạch của mình trên các chủ đề được nêu ra trong cuộc tranh luận. Người theo dõi tranh luận không hình dung được đường hướng chính trị của nước Mỹ khi một trong hai người tranh luận sẽ là ông chủ Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo.

Chẳng hạn, chỉ một câu hỏi đơn giản là nước Mỹ sẽ tiếp tục đối phó với đại dịch COVID-19 thế nào, ông Trump rút từ trong túi áo ngực ra một chiếc khẩu trang, nói chỉ đeo khi cần, châm biếm ông Biden là “người đàn ông với chiếc khẩu trang to đùng trên mặt”, trong khi ông Biden mỉa mai rằng ông Trump trước đây đã từng khuyên người dân Mỹ tiêm thuốc tẩy trùng vào tay để chống virus Corona!

Tuy vậy, không ai quên rằng bà Hilarry Clinton đều chiếm ưu thế trước ông Donald Trump trong 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình hồi năm 2016 nhưng cuối cùng ông Trump lại là người thắng cuộc.

Đáng tiếc là thay vì cuộc tranh luận vừa qua có thể thuyết phục những cử tri Mỹ đang dao động quyết định bỏ phiếu cho người này hay người kia, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống lại chỉ giúp cho những người đã xác định chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ai củng cố thêm quyết định của mình! Cuộc tranh luận đầu tiên giống như một show trình diễn mang nặng tính giải trí mà không đưa ra được câu trả lời cho những vấn đề mà người dân Mỹ quan tâm.

Còn 2 cuộc tranh luận ứng cử viên tổng thống nữa (không kể một cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên phó tổng thống) dự định diễn ra trong tháng 10 này nhưng với những biến cố bất ngờ (ông Trump và vợ dương tính với COVID-19, ban tổ chức dự định có một số sửa đổi nhằm tránh khả năng các ứng viên cắt lời nhau...), không một ai biết điều gì rồi sẽ xảy ra.

Nhưng, do nước Mỹ chiếm một vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị toàn cầu, cuộc bầu cử tổng thống nước này sẽ luôn nằm trong tầm quan sát của dư luận. Các cuộc tranh luận, vốn là một phần không thể thiếu trong bầu cử Tổng thống Mỹ, nếu như chúng tiếp tục diễn ra, sẽ luôn là trung tâm chú ý của dư luận khắp thế giới.

Yên Ba

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/buoi-trinh-dien-hon-loan-615387/