Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và tâm huyết của người thầy đam mê khoa học
Phía sau những chiếc buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đang sử dụng rộng rãi ở Lào Cai là tâm huyết của những người thầy ngày ngày đứng lớp nhưng mang trong mình niềm đam mê khoa học cháy bỏng.
Những chiếc buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đặt tại các chốt kiểm soát và bệnh viện trọng điểm của Lào Cai luôn hoạt động hết công suất, tiếp nhận, sàng lọc hàng nghìn trường hợp mỗi ngày. Đây là sản phẩm khoa học do các giảng viên Trường Cao đẳng Lào Cai thiết kế, chế tạo.
Chiếc buồng đầu tiên được thử nghiệm cách đây gần nửa năm, khi đó Bắc Giang đang là “tâm dịch” của cả nước, với hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19, đặt ra bài toán cho các địa phương là phải lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc” trên diện rộng để ứng phó với biến chủng Delta.
Ngay khi có đề nghị, gợi ý từ Sở Y tế tỉnh, thầy giáo Phạm Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai và nhóm cộng sự vốn sẵn “máu” đam mê khoa học trong mình đã lập tức nhận lời, gấp rút thiết kế, chế tạo 2 buồng lấy mẫu đầu tiên để đưa vào thử nghiệm chỉ trong ít ngày.
Bản thân là người trực tiếp thiết kế sản phẩm, thầy Bình chia sẻ, cảm hứng xuất phát từ những buồng lấy mẫu xét nghiệm của Hàn Quốc, Ấn Độ lưu hành trước đó, nhưng để phù hợp với điều kiện của Việt Nam thì phải điều chỉnh thêm không ít, cả những yếu tố căn bản: "Không thiết kế theo buồng áp lực âm của Hàn Quốc mà chúng tôi thiết kế theo nguyên lý buồng áp lực dương, thay vì người lấy mẫu vào trong buồng thì nhân viên y tế vào bên trong, không khí luôn có xu hướng đẩy từ trong ra ngoài, đồng thời vẫn đón không khí sạch vào trong buồng, tránh mầm bệnh xâm nhập".
Buồng lấy mẫu của Trường Cao đẳng Lào Cai còn có nhiều tính năng độc đáo như điều hòa nhiệt độ, micro giao tiếp không dây, vòi sát khuẩn tay bằng bàn đạp chân, hệ thống khử trùng tự động trong ngoài buồng, bánh xe lưu động…; ngoài ra, vật liệu sử dụng cũng tiết kiệm hơn và thiết kế phù hợp với thể trạng của người Việt.
"Từ việc cải thiện điều kiện làm việc kéo theo tâm lý của cán bộ y tế hết sức thoải mái, không bị tâm lý căng thẳng. Trước đây, cán bộ y tế phải mặc đồ bảo hộ kín toàn thân thì bây giờ chỉ cần mặc bộ đồ mỏng bình thường thôi, thao tác lấy mẫu cũng rất thuận lợi", thầy Bình cho biết thêm.
Mặc dù vậy, từ thiết kế đến chế tạo vẫn còn một khoảng cách lớn, xuất phát từ những khó khăn trong thực tế. Thầy Đỗ Xuân Sinh, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử - một trong những cộng sự đắc lực của thầy Bình chia sẻ: "Thị trường Lào Cai thiết bị khan hiếm, thời điểm đó đi lại cũng khó khăn, nhiều thứ phải đặt dưới Hà Nội lên, phải đặt mấy chỗ, đặt xong hủy rất mất thời gian, rồi thiết bị như mình muốn thì không có nên lại phải điều chỉnh để đồng bộ với thiết bị khác".
Khó khăn là thế, nhưng sau 2 tuần miệt mài với những buổi trưa không ngủ, đi sớm về khuya, cuối cùng sản phẩm hoàn thiện là 2 chiếc buồng lấy mẫu xét nghiệm (1 đơn, 1 đôi) đã ra mắt và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan khó tả.
Không lâu sau, khi hiệu quả của những chiếc buồng lấy mẫu do Trường Cao đẳng Lào Cai thiết kế, chế tạo đã được khẳng định trong thực tế, thông qua một gói viện trợ phi Chính phủ, Sở Y tế Lào Cai tiếp tục đặt hàng thêm 13 buồng. Lần này, mọi việc hanh thông hơn, buồng lấy mẫu mới còn hoàn thiện hơn cả về thẩm mỹ lẫn công năng. Mục tiêu tối thượng là bảo đảm an toàn và giảm tải áp lực cho nhân viên y tế đều được thỏa mãn.
Ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết: "Từ khi đưa vào sử dụng thì rất thuận lợi cho công tác lấy mẫu của cán bộ y tế, tránh lây lan. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế trong thời tiết nóng bức, và đặc biệt là những cán bộ lấy mẫu một ngày phải lấy rất nhiều mẫu, trên diện rộng, rút ngắn thời gian cán bộ phải thay trang phục bảo hộ".
Vừa qua, bản thiết kế buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của Lào Cai cũng được chia sẻ cho Cần Thơ để nhân rộng mô hình này. Những cống hiến đầy trí tuệ, nhân văn của các giảng viên Trường Cao đẳng Lào Cai đã và đang góp phần chung tay cùng cả nước chống dịch, tô đẹp thêm hình ảnh người thầy tận tụy, trách nhiệm, tài năng./.