Ca ngộ độc thực phẩm ở TP.HCM rời rạc, khó xác định được nguyên nhân

Nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm nhưng lại nhập viện rời rạc vào các bệnh viện khác nhau, khiến việc kết nối, lấy mẫu bệnh phẩm để xác định được nguyên nhân rất khó khăn. Đó là một trong những thách thức phòng chống ngộ độc thực phẩm, được nêu ra tại cuộc giám sát của ban Văn hóa - Xã hội về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở phối hợp cùng Sở An toàn thực phẩm và các cơ quan liên quan, địa phương để xử lý hậu quả các vụ việc mất an toàn thực phẩm, truy vết, điều tra, xét nghiệm tìm tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Sở Y tế có 3 đầu mối chính để phối hợp, chỉ đạo điều hành đó là các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và trung tâm y tế quận huyện…

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn trong việc điều tra và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm là các ca ngộ độc thường xảy ra rải rác tại nhiều địa điểm khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc kết nối các ca bệnh lại thành một vụ ngộ độc chung.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (Ảnh Thùy Liên)

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (Ảnh Thùy Liên)

Ông Nguyễn Hoài Nam ví dụ, vụ việc cuối năm 2023, có 2 trẻ cùng ăn món giò chả trong bữa tiệc ở Tp Thủ Đức nhưng sau đó gia đình di chuyển về hai địa phương khác nhau.

Trẻ về Nghệ An có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm trên đường về quê, nhập viện tỉnh Bình Định rồi chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Còn trẻ về Bình Dương cũng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, điều trị ở bệnh viện tỉnh rồi chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tình cờ, 2 trẻ cùng nằm điều trị chung phòng nên mới phát hiện ăn chung bữa tiệc, từ đó mới xác định được tác nhân là món giò chả từ bữa tiệc chung.

"Trường hợp này minh chứng cho việc khi các ca ngộ độc rải rác, việc điều tra và kết nối giữa các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân chung rất khó khăn. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện tại các cơ sở y tế khác nhau khiến công tác điều tra trở nên phức tạp, vì không thể ngay lập tức xác định rằng họ cùng bị ngộ độc từ một nguồn thực phẩm chung", ông Nguyễn Hoài Nam cho hay,

Ngoài ra, một số vụ ngộ độc do các chất độc hiếm gặp, như ngộ độc Botulinum, cũng gây ra thách thức lớn trong công tác điều tra.

Không phải lúc nào cũng có thể lấy được mẫu bệnh phẩm để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, đặc biệt khi ngộ độc liên quan đến chất độc, thay vì vi khuẩn hay vi sinh vật.

Một trong các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì kèm chả lụa bán dạo điều trị tại Bệnh viện (Ảnh tư liệu BVCC)

Một trong các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì kèm chả lụa bán dạo điều trị tại Bệnh viện (Ảnh tư liệu BVCC)

Botulinum là một dạng ngộ độc nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng do ngưng tim, ngưng thở, nhưng việc chuẩn bị thuốc giải độc cho tình huống này lại gặp khó khăn. Ví dụ, thuốc điều trị ngộ độc Botulinum không có sẵn tại Việt Nam, và chi phí nhập khẩu rất cao, khoảng vài trăm triệu đồng một liều. Việc thiếu hụt thuốc giải độc kịp thời có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

“Theo quy định trong Nghị quyết 84 về cơ chế đặc thù, phân cấp cho Thành phố được nhập khẩu thuốc đặc biệt, thuốc hiếm. Chúng tôi đã xây dựng được danh mục sắp tới trình UBND TP để xin ý kiến HĐND, bởi vì cần phải có cơ chế dành lại một khoản để dự trữ thuốc. Bởi vì nguy cơ là cả năm không có ca nào, thì phải hủy thuốc. Điều này ảnh hưởng đến kinh phí nhà nước”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Kim Dung - CTV Thùy Liên/VOV TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ca-ngo-doc-thuc-pham-o-tphcm-roi-rac-kho-xac-dinh-duoc-nguyen-nhan-post1128391.vov