Cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Phân loại doanh nghiệp để tránh 'nghẽn' thị trường

Dự thảo một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính vừa được Chính phủ trình Quốc hội đã bỏ quy định cấm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Dù vậy, với các điều kiện khắt khe, cơ hội tham gia thị trường này của nhà đầu tư cá nhân là rất nhỏ.

Dự thảo quy định mới sẽ mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Dự thảo quy định mới sẽ mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Cá nhân muốn mua cũng khó có “hàng”

Trong 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính đang được đề nghị sửa, thì Luật Chứng khoán sửa đổi được đặc biệt quan tâm, nhất là quy định về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Trong Dự thảo, Chính phủ quy định, các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ đó phải được xếp hạng tín nhiệm, cộng thêm điều kiện phải có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc bỏ quy định cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ (như dự thảo trước đây) là hợp lý. Thực tế, sau khi trải qua nhiều sóng gió, trình độ và hiểu biết của nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân đã được nâng lên đáng kể. Phải cho phép đa dạng cơ cấu nhà đầu tư thì thị trường TPDN mới phát triển vững mạnh, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành quy định này. Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) chia sẻ, thị trường TPDN là kênh huy động quan trọng của doanh nghiệp và cũng là kênh đầu tư hiệu quả. Việc quy định chặt chẽ với loại TPDN mà nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân được giao dịch sẽ giúp giảm rủi ro, giúp người dân yên tâm hơn khi bỏ tiền vào đầu tư.

Tương tự, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nhận định, quy định như dự thảo luật không chỉ giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân, mà còn giúp nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu, giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh.

Tuy nhiên, quy định trên cũng khiến không ít doanh nghiệp phát hành và các công ty chứng khoán băn khoăn. Lãnh đạo một công ty chứng khoán lo ngại, bởi dù dự thảo luật đã “mở lối” cho nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ, nhưng lối đi này quá hẹp. Thực tế, số doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ được xếp hạng tín nhiệm đếm trên đầu ngón tay, việc được ngân hàng bảo lãnh thanh toán lại càng hiếm hoi.

“Nếu quy định trên được thông qua, chắc chắn lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ sẽ sụt giảm rất mạnh, kéo theo sự sụt giảm của thanh khoản toàn thị trường”, vị này cho biết.

Cần phân loại doanh nghiệp phát hành

Theo lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, việc áp dụng chung quy định đối với doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân là không công bằng. Theo đó, nên phân loại ra nhóm doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng và nhóm doanh nghiệp phát hành là các công ty chưa đại chúng.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), quy định doanh nghiệp phát hành muốn bán TPDN riêng lẻ cho cá nhân phải có xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hoặc hoặc bảo lãnh ngân hàng sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành. Qua đó sẽ khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh.

Tất nhiên, nếu quy định này được áp dụng, thị trường trái phiếu sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong phát hành TPDN riêng lẻ vì khó tìm người mua hơn.

Với nhóm doanh nghiệp phát hành là các công ty đại chúng đã niêm yết, nên mở rộng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia mua TPDN riêng lẻ. Lý do là các doanh nghiệp này hoạt động tuân thủ rất nhiều luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán...), đồng thời đang chịu sự giám sát chặt chẽ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán. Thông tin của nhóm doanh nghiệp này được công bố công khai, minh bạch, được kiểm toán đầy đủ, nhà đầu tư cá nhân dễ dàng tiếp cận. Hơn nữa, để trở thành công ty đại chúng, các doanh nghiệp này đã phải trải qua quá trình xem xét, chấp thuận hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (tức đã được sàng lọc).

Riêng với nhóm doanh nghiệp phát hành là các công ty chưa đại chúng, việc siết điều kiện bán TPDN phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân là rất cần thiết, bởi đây là nhóm doanh nghiệp không chịu sự giám sát của cơ quan nào về việc minh bạch thông tin cũng như chất lượng thông tin. Do đó, đối với nhóm công ty này, áp dụng quy định như Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) là cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán, nên phân loại cụ thể với từng doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ mà nhà đầu tư cá nhân được giao dịch. Theo đó, với doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng đã niêm yết và đang hoạt động có lãi, thì chỉ cần yêu cầu xếp hạng tín nhiệm. Với công ty đại chúng đã niêm yết đang thua lỗ thì cần thêm tài sản đảm bảo. Riêng với doanh nghiệp phát hành chưa đại chúng thì phải yêu cầu “3 có” là có xếp hạng tín nhiệm, có tài sản đảm bảo và có bảo lãnh thanh toán.

Việc phân loại như trên nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tiến tới đại chúng hóa.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ca-nhan-duoc-mua-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-phan-loai-doanh-nghiep-de-tranh-nghen-thi-truong-d228883.html