Sửa Luật Quản lý thuế - Đề nghị bổ sung đối tượng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh
Không chỉ cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nếu được thông qua, cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế…
Một trong những nội dung đang được dư luận đặc biệt quan tâm tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia (1 luật sửa 7 luật) do Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội lần này là liên quan đến thuế.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, có 2 nhóm chính sách lớn được sửa đổi lần này là: Hoàn thiện quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật (bao gồm 06 giải pháp); Tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, nhất là hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số (bao gồm 02 giải pháp).
Trong đó, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế được dư luận đặc biệt quan tâm. Lý giải về việc sửa đổi quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý thuế hiện hành có quy định người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế, “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức và cá nhân, do đó việc tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể này như quy định trên là chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế (gồm: chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh), chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như quy định tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 66 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh và bãi bỏ khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật đối xử công bằng, bình đẳng đối với tất cả người nộp thuế (cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách nhà nước, tăng tính tuân thủ pháp luật thuế, nâng cao hiệu quả thu nợ thuế, thực hiện thống nhất.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 9, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân nợ thuế nhỏ lẻ, không đáng kể nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp này, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, những vấn đề này không được đề cập tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế trong đề án “1 luật sửa 7 luật” lần này…
Quy định về mức tiền phải trả lãi, quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp được sửa đổi như thế nào?
Về mức tiền phải trả lãi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 16 về quyền của người nộp thuế; bãi bỏ khoản 3 Điều 75 về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế và bãi bỏ khổ 2 khoản 2 Điều 61 quy định về trả tiền lãi nhằm đảm bảo thống nhất giữa Luật Quản lý thuế và Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện quyền của mình theo trình tự, thủ tục Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 59 về thời gian tính tiền chậm nộp nhằm đảm bảo thống nhất trong áp dụng văn bản pháp luật và đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.