Ca nhiễm ở trẻ tăng cao, TP.HCM xử lý ra sao?

Số trẻ mắc Covid-19 tại TP.HCM liên tục tăng 3 tuần qua, đặc biệt ở học sinh tiểu học - nhóm chưa tiêm vaccine. TP.HCM sẽ điều chỉnh lại bộ tiêu chí an toàn trong trường học.

3 tuần kể từ khi trẻ tới trường, điều mà ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM), cảm thấy may mắn nhất là số ca mắc Covid-19 ở trẻ rất thấp và trường chỉ mới có một giáo viên thành F0. Trong khi đó, số ca nhiễm ở nhóm học sinh tiểu học tại TP.HCM liên tục tăng.

Các trường học tại TP.HCM phải linh động nhiều giải pháp để tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của thành phố. Trong khi đó, chính quyền TP.HCM cũng nhận ra các bất cập và tìm cách khắc phục.

Khối tiểu học có số ca nhiễm cao nhất

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hiện nay, số F0 và F1 là giáo viên, học sinh trên địa bàn TP.HCM có xu hướng tăng. Tuần qua, trung bình mỗi ngày có 200 ca nhiễm được phát hiện tại trường ở tất cả cấp học.

Số ca mới đa phần ở khối tiểu học; cấp THPT ít ca nhất. Cụ thể, trong 3 tuần từ ngày 14/2 đến 7/3, cấp tiểu học luôn có số ca nhiễm nhiều nhất và tăng dần. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 phải nhập viện ở mức thấp (dưới 0,1%).

Tình hình số học sinh và giáo viên nghi mắc Covid-19 trong trường học tại TP.HCM (từ 7/2 đến 7/3)

Tổng số ca nghi nhiễm giai đoạn 1-7/3 là 37.449, cao gần gấp đôi so với tuần trước (19.499 ca). Tuy nhiên, số trường hợp phải nhập viện vẫn ở mức thấp.

Theo dõi tại 3 bệnh viện nhi của TP.HCM cho thấy số trẻ mắc Covid-19 cần hỗ trợ hô hấp gần 2 tuần (24/2-8/3) chỉ có 20 ca, trong đó 12 ca chuyển từ các tỉnh đến. Trong 5 ca phải thở máy xâm lấn, chỉ có một ca của TP.HCM, còn lại từ các tỉnh khác. Đặc biệt, thành phố chưa ghi nhận ca tử vong nào thời điểm này.

Số trẻ nhập viện tại 3 bệnh viện nhi ở TP.HCM

Tổ chức bán trú ra sao để hạn chế lây nhiễm?

TS Dương Trần Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ, chia sẻ trường ông hoạt động theo mô hình tiên tiến nên mỗi lớp chỉ có 28 học sinh; nhờ đó, việc giãn cách trong lớp được đảm bảo và giáo viên dễ theo dõi, chăm sóc các em.

Sau 3 tuần học sinh trở lại trường, số ca nhiễm ở đây vẫn rất thấp và chưa xảy ra lây nhiễm chéo trong lớp. Trường chưa có lớp nào phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn vì có F0, F1, và chỉ có một cô giáo mắc Covid-19 do lây từ con.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất giúp trường đạt được kết quả trên là nhờ sự phối hợp của phụ huynh. Các giáo viên phải liên tục trao đổi với phụ huynh học sinh hàng ngày. Trẻ có triệu chứng hoặc tiếp xúc với F0 đều được cha mẹ thông báo với trường và cho cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, nếu chính sách cho F1 đến trường được áp dụng, vị hiệu trưởng lo lắng rằng số ca nhiễm trong trường sẽ tăng. Ông cho rằng việc cho trẻ tiểu học là F1 đến trường có thể sẽ an toàn hơn và cũng giúp phụ huynh an tâm hơn khi trẻ dưới 12 tuổi được tiêm vaccine.

"Với trẻ là F1 tiếp xúc trực tiếp với F0, ví dụ như người nhà, thì nguy cơ nhiễm rất cao. Nếu F1 được học trực tiếp thì nhà trường vẫn sẽ vận động phụ huynh theo dõi sức khỏe cho con trong ít nhất 72 giờ để đảm bảo an toàn cho trẻ khác", ông nêu quan điểm.

 Học sinh trường Tiểu học Lê Đức Thọ. Ảnh: Đ.C.

Học sinh trường Tiểu học Lê Đức Thọ. Ảnh: Đ.C.

Với 800 học sinh trong trường và diện tích rộng, ông Dương Trần Bình cho biết nhà trường phải tổ chức rất chặt chẽ trong việc chăm sóc, đảm bảo giãn cách cho học sinh cả khi học và nghỉ.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cũng nhận định rằng việc đảm bảo giãn cách cho học sinh với nhiều trường trong thành phố là rất khó. Mặt bằng chung các trường có diện tích nhỏ và mỗi lớp có tới 40-50 học sinh nên nguy cơ lây nhiễm khá cao.

Chị H., giáo viên tại một trường tiểu học ở quận 1, chia sẻ gặp khá nhiều khó khăn trong chăm sóc học sinh theo tiêu chí phòng chống dịch hiện tại, đặc biệt là khi tổ chức bán trú. Trẻ càng nhỏ càng hiếu động và thích trêu chọc bạn bè nên không dễ để giữ cho trẻ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách mọi lúc, mọi nơi.

Trong giờ ăn và ngủ trưa, nhà trường không thể sắp xếp được các vách ngăn như khu công nghiệp nên trẻ vẫn được cho ăn cùng nhau, khó tránh tiếp xúc gần.

"Trường cũng có lớp xuất hiện ca nhiễm nhưng nhiều trường hợp khó xác định là trẻ lây từ bạn bè hay từ người thân vì cả trẻ và bố mẹ cùng nhiễm", chị H. cho hay.

Đánh giá về số trẻ là F0 tăng thời gian qua, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho rằng một trong những khâu cần đặc biệt quan tâm trong quy trình xử lý F0 tại trường học là việc tổ chức bán trú.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã lập tổ công tác để cập nhật quy định, quy trình xử lý F0, trong đó chú ý đến việc giãn cách trong lớp học và khi trẻ ăn, ngủ trưa tại trường.

Ông cho biết qua khảo sát 4 trường học, một số trường đã cố gắng rất lớn trong đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức bán trú cho trẻ nhưng một số lớp vẫn chưa đảm bảo.

"Các trường cần tận dụng phòng học để bố trí các cháu đảm bảo mức độ giãn cách tương đối, không quá gần nhau", ông Hưng nêu giải pháp .

 Lớp có học sinh ít dễ đảm bảo công tác giãn cách hơn. Ảnh: Đ.C.

Lớp có học sinh ít dễ đảm bảo công tác giãn cách hơn. Ảnh: Đ.C.

Để giải quyết tình trạng này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với ngành y tế để triển khai lại bộ tiêu chí an toàn cho tất cả trường học và thống nhất phương án áp dụng.

Ông nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học, đặc biệt tập trung bảo vệ nhóm trẻ em dưới 12 tuổi, chưa được tiêm vaccine. Số ca nhiễm đang tăng ở nhóm trẻ này và lây lại cho người nhà; do đó, cần quản lý rủi ro với cả nhóm trẻ em có nguy cơ và người nhà có nguy cơ.

"Các em đi học thì có tiếp xúc, khả năng lây nhiễm là cao nên phải có biện pháp để kịp thời phát hiện, bảo vệ, nhất là trẻ có nguy cơ như béo phì... Sự tiếp xúc của các em với người có nguy cơ trong gia đình cũng cần lưu ý", ông Mãi nói.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-nhiem-o-tre-tang-cao-tphcm-xu-ly-ra-sao-post1301306.html