Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cao nhất
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%.
Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD; đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%. Riêng đầu vào sản xuất 756 triệu USD, giảm 1,3%.
Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); cà phê 2,9 tỷ USD (tăng 44,1% với lượng 833 nghìn tấn, giảm 3,9%); gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%); điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3% với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%); rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%); tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%).
Giá xuất khẩu bình quân: Gạo 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%; cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%. Trong khi đó, hạt điều 5.378 USD/tấn, giảm 8,6%; chè 1.656 USD/tấn, giảm 0,8%…
Như vậy, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ. Giá cà phê hôm nay ngày 1/6 trong khoảng 123.000 - 124.000 đồng/kg. Giá cà phê Robusta tiếp tục được hưởng lợi từ thông tin lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil và Việt Nam trong thời gian qua, sẽ gây thiệt hại cho cây cà phê và hạn chế sản lượng toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng dự đoán, sản lượng cà phê từ quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu này có khả năng giảm 20% trong niên vụ cà phê từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024 hiện tại do điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến khô hạn hơn bình thường trong thời gian qua. Những kiểu thời tiết này sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ cho đến tháng 10 năm nay, khi vụ mùa mới bắt đầu thu hoạch.
Theo các chuyên gia, vụ cà phê vừa qua đã rất thành công khi giá lên, nông dân thu lời tốt dù sản lượng có sụt giảm. Giá cao sẽ giúp người nông dân có động lực chăm sóc tốt hơn cho vườn cà phê của mình, cũng như tính tới phương án mở rộng diện tích.
Cà phê ngày càng khẳng định vai trò là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Với việc chiếm hơn 10% doanh thu từ xuất khẩu nông sản và 3% tổng GDP, ngành cà phê không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho các nông dân mà còn là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Trong năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục với 1,61 triệu tấn, mang về 4,18 tỷ USD, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 5 của Việt Nam giảm 36,5% so với cùng kỳ, xuống mức 95.000 tấn và xuất khẩu cà phê từ tháng 1 đến tháng 5 giảm 3,9% so với cùng kỳ ở mức 833.000 tấn.
Theo dự báo của Cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, rất có thể sẽ có sự chuyển đổi từ điều kiện trung tính El Ninõ –sang điều kiện thời tiết La Ninã vào tháng 8 năm nay, có thể kéo theo lượng mưa tăng lên. Chúng ta cũng đã từng biết đến dự báo tương tự như thế này đến từ Cơ quan dự báo khí tượng Mỹ vào tháng trước.
Mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu cà phê trong năm nay đang được xây dựng trên nền tảng khá tốt. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn cần những chiến lược xuất khẩu thận trọng để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có và duy trì được thành quả một cách lâu dài
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), dự báo năm 2024 xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi. Đặc biệt, hiện nay giá cà phê đang tăng mạnh, nên dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Vicofa dự kiến xuất khẩu cà phê có thể đạt khoảng 4,5 đến 5 tỷ USD trong năm 2024.