Các biện pháp điều trị gù cột sống

Gù cột sống do nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Dưới đây là biện pháp điều trị gù cột sống do một số nguyên nhân chính...

1. Điều trị gù cột sống do loãng xương

Nội dung

1. Điều trị gù cột sống do loãng xương

2. Điều trị gù cột sống do thoái hóa đĩa đệm

2.1 Quản lý cơn đau

2.2 Vật lý trị liệu và tập thể dục hỗ trợ trị gù cột sống

3. Phương pháp ngăn ngừa gù cột sống

Loãng xương là một trong những yếu tố gây cong, gù cột sống, đặc biệt là khi đốt sống bị yếu gây gãy nén cột sống. Loãng xương thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi và những người sử dụng corticoid kéo dài. Để điều trị, cần bổ sung đầy đủ canxi từ khi còn trẻ. Theo đó, nhu cầu canxi mỗi ngày tùy thuộc theo độ tuổi được khuyến nghị.

Trẻ từ 0 - 6 tháng: 300 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 6 - 11 tháng: 400 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 500 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 4 - 6 tuổi: 600 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 7 - 9 tuổi: 700 mg canxi/ngày.
Người từ 10 - 18 tuổi: 1000 mg canxi/ngày.
Người từ 18 - 50 tuổi: 1000 mg canxi/ngày.
Phụ nữ có thai, người cao tuổi: Cần bổ sung lượng canxi nhiều hơn khoảng từ 1200 mg - 1500 mg canxi/ngày.

Nên bổ sung canxi từ nguồn thực phẩm như sữa và thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua. Các nguồn thực phẩm khác như hải sản, cá biển, rau xanh, các loại đậu, trái cây khô, đậu phụ...

Cột sống cong vẹo, gù ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh...

Cột sống cong vẹo, gù ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh...

Ngoài canxi, cần bổ sung vitamin D. Nhu cầu vitamin D hàng ngày phù hợp cho mỗi đối tượng khác nhau. Mức khuyến nghị được đề ra là:

Trẻ sơ sinh - 1 tuổi: Cần khoảng 400 IU/ngày. Lưu ý, không vượt quá 1.000 IU/ngày đối với trẻ sơ sinh đến 6 tháng; 1.500 IU/ngày ở trẻ 6 tháng đến 1 tuổi.
Từ 1-18 tuổi: Khoảng 600-1.000 IU/ngày. Lưu ý, không vượt quá 2.500 IU/ngày đối với trẻ 1-3 tuổi; 3.000 IU/ngày với trẻ 4-8 tuổi và 4.000 IU/ngày đối với trẻ trên 8 tuổi.
Từ 19-70 tuổi: Khoảng 1.500-2.000 IU/ngày, không được vượt quá 4.000 IU/ngày)
Trên 70 tuổi: 1.500-2.000 IU/ngày, mức tối thiểu là 800IU/ngày, không vượt quá 4.000IU/ngày.

Các thực phẩm giàu vitamin D gồm: Cá trích, cá mòi, cá hồi, cá ngừ, dầu gan cá, hàu, tôm, lòng đỏ trứng, sữa, nấm, ngũ cốc... Đặc biệt là ánh nắng mặt trời sẽ giúp cơ thể chuyển hóa và hấp thu vitamin D hiệu quả nhất.

2. Điều trị gù cột sống do thoái hóa đĩa đệm

Thoái hóa đĩa đệm đốt sống lưng là nguyên nhân chính dẫn đến gù cột sống. Khi bị thoái hóa, đĩa đệm sẽ co lại, ngày càng gây gù lưng nặng hơn. Để điều trị, cần thực hiện các bước:

2.1 Quản lý cơn đau

Mặc dù không điều trị được bệnh, nhưng quản lý cơn đau nhằm mục đích giảm đau, cải thiện khả năng vận động. Có thể thực hiện các biện pháp:

- Chườm đá vào vùng cột sống bị đau sẽ giúp giảm viêm đáng kể trong trường hợp đau cấp tính.

- Chườm nóng giúp thư giãn cơ, làm giảm tình trạng căng thẳng và co thắt trong đau mạn tính.

- Dùng thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm giảm đau như ibuprofen, aspirin, naproxen... Các thuốc này thường được khuyên dùng cho các cơn đau ở mức độ nhẹ.

Codeine điều trị cơn đau lưng nhẹ đến trung bình, thường được kết hợp với acetaminophen hoặc các thuốc giảm đau không chứa opioid khác.

Thoái hóa đĩa đệm - một trong những nguyên nhân gây gù cột sống.

Thoái hóa đĩa đệm - một trong những nguyên nhân gây gù cột sống.

- Đối với tình trạng đau nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau kê đơn opioid. Opioid là loại thuốc có tác dụng mạnh. Các loại thuốc trị đau lưng kê đơn thường được sử dụng như:

Oxycodone điều trị giảm đau lưng từ vừa đến nặng.
Hydrocodone giảm đau từ trung bình đến nặng thường được kết hợp với acetaminophen hoặc các thuốc giảm đau không chứa opioid khác.
Tramadol dùng trong các trường hợp đau vừa đến nặng.
Morphine được chỉ định trước và sau phẫu thuật.

- Tiêm steroid ngoài màng cứng: Một loại steroid được tiêm xung quanh màng cứng cột sống để giúp giảm đau tạm thời và cải thiện khả năng vận động. Phương pháp này thường được khuyến nghị thực hiện trước khi tiến hành vật lý trị liệu.

Lưu ý dùng thuốc: Để sử dụng thuốc trị đau lưng, đặc biệt là thuốc kê đơn hiệu quả và an toàn, cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ. Nếu lạm dụng thuốc giảm đau sẽ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

2.2 Vật lý trị liệu và tập thể dục hỗ trợ trị gù cột sống

Vật lý trị liệu và tập thể dục được xem như một phương pháp hiệu quả trong điều trị gù cột sống. Trong đó, vật lý trị liệu sử dụng các yếu tố vật lý như vận động cơ học, tia hồng ngoại, nhiệt độ… tác động lên cơ thể người bệnh giúp giảm đau và phục hồi các chức năng bị suy giảm. Kết hợp cùng các bài tập để đạt được mục tiêu hỗ trợ chữa lành cột sống, giảm nguy cơ tái phát cơn đau.

Theo đó, một chương trình cho chứng thoái hóa đĩa đệm bao gồm:

- Vật lý trị liệu: Các động tác kéo giãn giúp giảm căng thẳng và cải thiện tính linh hoạt cho các cơ cột sống. Một số vị trí cần tập trung là cơ cổ, vai, lưng, lưng dưới, hông, xương chậu, cơ gân kheo…

Thực hiện các động tác chống gù lưng như vươn vai, vặn mình… với sự hỗ trợ của các dụng cụ như dây căng, bóng tập, gậy… Liệu pháp vật lý trị liệu áp dụng công nghệ cao là sử dụng máy móc hỗ trợ chống gù lưng.

- Tập thể dục: Đây là biện pháp giúp tăng cường tuần hoàn máu, giữ cho các khớp và cơ hoạt động linh hoạt. Đặc biệt là các bài tập thể dục nhịp điệu sẽ phù hợp nhất, tác động lên tuần hoàn, tim và tác động mềm dẻo lên cấu trúc cột sống.

3. Phương pháp ngăn ngừa gù cột sống

Gù cột sống không chỉ gặp ở người cao tuổi mà gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính. Gù cột sống ảnh hưởng rất lớn đến ngoại hình, khả năng sinh hoạt, chất lượng sống của người bệnh. Vấn đề điều trị gù cột sống khá phức tạp, do đó cần phòng ngừa trước khi tình trạng này xảy ra là rất cần thiết.

Gù cột sống có thể được phòng ngừa bằng một số biện pháp sinh hoạt hằng ngày:

Bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi.
Không tiếp xúc với khói thuốc, hạn chế bia rượu...
Điều chỉnh tư thế ngồi thẳng lưng khi học tập, làm việc.
Một số trường hợp có yếu tố nguy cơ cao nên được sử dụng nẹp giúp định hình cột sống, nhất là đối với trẻ em, thanh niên hay những người làm công việc văn phòng phải ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Trẻ em nên tránh mang vác quá nặng (cặp sách) trong thời gian dài dẫn đến tác động xấu lên các cơ và dây chằng vùng lưng gây ra gù cột sống.
Tập các bài tập giúp tăng cường độ dẻo dai cho cột sống như: bơi lội, tập yoga, thể dục nhịp điệu...

Mời độc giả xem thêm video:

Cảnh báo tư thế ngồi dễ mắc thoái hóa cột sống I SKĐS

BS.Phạm Ngọc Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-bien-phap-dieu-tri-gu-cot-song-16924101117235232.htm