Các chiến sĩ trẻ trên quần đảo Trường Sa ngày ấy

TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hôịĐêm 20 rạng sáng 21.4.1993, Đoàn đại biểu Quốc hội đầu tiên (Khóa IX) khởi hành từ Quân cảng Vũng Tàu ra thăm quần đảo Trường Sa. Trong tâm trạng phấn khích, ai cũng nóng lòng, mong muốn nhanh chóng được đặt chân lên các đảo thân yêu của Tổ quốc.

Vườn rau xanh tươi tốt góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: TTXVN

Vườn rau xanh tươi tốt góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: TTXVN

Ra khơi xa, trời và biển vốn cách nhau nghìn trùng nhưng lại như hòa quyện vào nhau. Nắng chói chang, bầu trời xanh lồng lộng, rải rác có áng mây ngà xen lẫn áng mây xanh lơ mỏng tang như những tấm khăn voan thiếu nữ. Đứng trên boong tàu ngắm biển, chúng tôi nhận thấy màu sắc của biển tương đồng như bầu trời. Những khoảng xanh lam thăm thẳm chiếm phần lớn mặt biển bao la, ấy là những nơi sâu nhất. Những vệt dài loang lổ màu nâu hay màu hạt dẻ, ấy là những chỗ đáy biển đã được tạo hóa nâng cấp tôn tạo. Còn những vệt ngoằn ngoèo hoặc trải rộng có khi ngút tầm mắt, ngà ngà màu sữa lấp lóa, ấy là những bãi san hô đầm mình trong nước và sẵn sàng nhô lên trắng xát khi thủy triều xuống rặc.

Ở nơi khơi xa, bình minh, mặt trời như quả bóng hồng khổng lồ bồng bềnh nổi lên từ mặt nước, và hoàng hôn mặt trời lại như quả cầu lửa chui qua đám mây màu cánh vạc rồi nhẹ nhàng đổ bộ chìm xuống nước làm cho chúng ta dễ có cảm giác con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên trời biển.

Lòng khâm phục của chúng tôi đối với những người đang ngày đêm kiểm soát, bảo vệ, xây dựng và khai thác Trường Sa bỗng chốc dâng trào mạnh mẽ, dạt dào. Điều bất ngờ thú vị và tự hào là ở tất cả các đảo mà chúng tôi đến, dù là đảo chìm hay đảo nổi đều có các chàng trai non tơ quê Thanh Hóa. Xiết bao cảm động, mừng mừng tủi tủi với những tín hiệu riêng, tự nhiên nhận biết được nhau. Họ là những người ở độ tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết. Ở những nơi trời biển mênh mang, đầy gian lao này, câu nói “Thanh niên - lực lượng nòng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” càng hàm súc đầy đủ nội dung, linh hồn, khí tiết và trách nhiệm cao cả của tuổi trẻ nơi lãnh địa thiêng liêng của Tổ quốc nghìn đời nay không thể chia cắt.

Lê Bá Tý, chiến sĩ trên đảo Đá Lát nói với tôi: “các chú ra Trường Sa lúc này là thời gian tốt nhất đấy; cả năm chỉ có tháng Tư là trời tương đối yên, sóng tương đối lặng...”. Đúng là biển lặng sóng, vậy mà chúng tôi phải trầy trật lắm mới cập được xuồng vào rìa bờ để lên đảo. Bởi khi biển lặng, sóng không cao nhưng bước sóng khá dài, nếu không nhanh chân bước lên bờ thì sóng sẽ lại kéo cho xuồng và người xoạc dài ra và chao đảo như điên loạn. Tý cười, nói tiếp: “lên xuồng, xuống biển là công việc như cơm bữa của chúng cháu, cái quan trọng hơn là trong phiên trực, tuần tra của mình nếu an toàn tuyệt đối thì mới yên tâm...”.

Thú thực, nhìn Tý tôi hơi e ngại pha lẫn sự băn khoăn. Sinh ra vào năm quân dân ta chiến thắng B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, tuổi còn nhỏ, vóc dáng thấp, bé, liệu Tý có đủ sức chịu đựng không? Nhưng rồi nỗi băn khoăn đó bị tan biến ngay tức khắc khi Tý kể: “cháu dân vùng biển mà chú; ở quê cháu đã bám biển đánh cá từ bé, năm ngoái cháu mới đi bộ đội. Có lẽ vì thế mà cháu được vào Quân chủng Hải quân. Nom thế thôi, cháu khỏe chú ạ. Chú biết đấy, chỉ có điều mới hai chục tuổi đầu mà chúng cháu đứa nào cũng ba màu tóc cả rồi. Thoạt đầu tóc đen nhánh, sau đó vàng ệch, và bây giờ là màu đỏ râu ngô, vì ngày ngày lặn ngâm trong nước mặn mà chú...”. Tôi xiết chặt tay Tý với tình cảm thương mến, đầy chộn rộn và chia tay với Lê Trọng Đài đã sang tuổi “băm” mà chưa vội lấy vợ...

đảo Trường Sa lớn - nơi quân, dân đông nhất và cũng là đảo có nhiều trai trẻ Thanh Hóa. Đó là anh Đào Bá Viết, thành viên Ban lãnh đạo đảo cùng các chiến sĩ Nguyễn Hồng Châu, Lê Đức Dũng, Chu Văn Thắng... Đoàn chúng tôi ở lại đảo trọn một ngày đêm và dự mít tinh kỷ niệm 18 năm ngày giải phóng đảo (29.4.1975 - 29.4.1993). Ở đây có tình tiết lịch sử điển hình cho sự quý báu về thời gian. Ngày giải phóng đảo, nếu chúng ta chỉ chậm chân chừng hơn tiếng đồng hồ thôi thì mảnh đất của Tổ quốc sẽ gặp cơn nguy biến...

Với bao nhiêu việc tất bật, vật vã, gác trời, canh biển, sản xuất, xây dựng, nhưng các anh vẫn hết sức chu đáo với Đoàn. Buổi trưa, trời nóng như rang, Thắng nói với tôi, “cháu mắc võng dưới cây phong ba, mời chú ra nằm cho đỡ nóng”. Cây phong ba nào đâu có lớn, chúng chỉ cao lúp xúp, thấp hơn đầu người. Trụ được trên đảo san hô cạn, chắc là chúng phải có sức sống kỳ diệu. Nước ngọt khan hiếm đã đành, nhưng đất cũng không hoàn toàn là đất mà chủ yếu là vụn san hô. Phải chống chịu đủ mùi vị thử thách, tắm gội nước mặn khi bão biển hắt nước lên thân, lá, cành, phải cần mẫn trụ bám chặt rễ vào vụn san hô không mấy dinh dưỡng và phải chịu đựng mỗi năm 131 ngày gió từ cấp 6 trở lên, cộng với khí trời oi ả, có lẽ vì thế mà nó có cái tên cương nghị “Phong ba”. Ngồi dưới gốc cây, dù bóng mát chỉ loang lổ nhưng quả là có dịu đi ít nhiều. Buổi tối, các chiến sĩ dành hết giường, phản, màn, chiếu cho khách và nói là chúng cháu phải đi trực, tuần tra ca đêm...

Sang Trường Sa Đông, chúng tôi bị cuốn hút bởi những mẩu chuyện râm ran của 6 chàng trai, trong đó có Lê Chiêu Hoàn (người Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và hai chiến sĩ Hải và Hạnh có gia đình ở nông trường chè Bãi Trành. Hạnh cho biết, chỉ ở đảo này mới có cây rau sam. Ban đầu chỉ có một vài cây mọc èo uột, các chiến sĩ coi đó là giống mới và đã tiến hành cấy, nhân rộng ra nên bây giờ sam trồng, sam mọc tự nhiên la liệt, khá nhiều. Chỉ có điều là khi ăn, ai cũng có cảm giác chua đậm và cứng hơn nhiều so với rau sam trong đất liền. Nói tới kỹ nghệ trồng rau thì thật là kỳ công. Đất được mang từng khay trong đất liền ra. Phân bón là các bao tải đốt thành tro, trộn với đầu, xương, ruột cá. Nước tưới là nước rửa mặt, nước vo gạo, chút nước ngọt tráng người sau khi tắm biển.

Ở đảo này, các khay rau được kê thành giàn cao chừng một mét để tránh nước mặn tạt vào (ở các đảo chìm, các khay rau được đặt trên các tầng nhà chòi lưng chừng trời, na ná như vườn treo quốc gia Babilon vậy). Thế mà rau cải, rau muống, mồng tơi... xanh tốt lạ thường, song liều lượng cho mỗi bữa ăn thì rất có hạn... Mấy chiến sĩ trẻ nói rằng: “ở nhà chúng cháu không phải làm những việc tỷ mẩn như thế này, nhưng ra đây ngoài việc canh trời, gác biển, chúng cháu còn làm được nhiều việc khác. Chắc là sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng cháu sẽ trợ giúp gia đình, bố mẹ được nhiều việc hơn, cuộc đời sẽ từng trải hơn”.

Chuyện tưởng như không thể dứt ra được, nhưng nhất thiết phải dứt ra bởi thủy triều đang xuống nhanh. Chúng tôi bùi ngùi chia tay nhau và cùng chạy nhanh ra rìa đảo. Bãi đá mênh mông đang lộ đầu nhô cao dần. Khi mới vào đây, chúng tôi chỉ thấy duy nhất một hòn đá “mồ côi” như con trâu đầm mình dưới nước. Còn bây giờ nhấp nhô đá lộ đầu lổn nhổn, ngổn ngang, nước biển vỗ vào ì ọp. Trong lúc chia tay, tôi vẫn cố nghe cho được câu nói đầy vẻ bí ẩn: “chú biết không, thủy triều xuống ban ngày thế này không có gì đáng lo, nhưng vào ban đêm thì thật là mệt; làm sao mà phân biệt được những mô đá ngổn ngang kia với những cái đầu người nhái của đối phương! chúng cháu dõi trông đến căng cả mắt chú ạ...”. Tạm biệt, chúng tôi né tránh các mô đá, lần mò lội ra đến xuồng. Vì không có điểm tựa nên xuồng cứ như con ngựa bất kham lồng lên, lộn xuống trôi vèo vèo, ai nấy đều phải lần lượt đánh vật để lên xuồng về tàu đang neo đậu ngoài khơi xa.

Trong nhiều buổi liên hoan văn nghệ trên boong tàu, tôi đặc biệt ghi nhớ đêm trên Đá Tây “hát về chiến sĩ và chiến sĩ hát”. Tuổi trẻ Trường Sa quả là lắm “tài vặt”, trong đó có khẩu khiếu văn nghệ. Các chiến sĩ đều có trình độ hưởng thụ văn hóa cao. Họ nói sách, báo ra chậm, nhiều khi phải “ôn” báo, đọc đi, đọc lại nhiều lần. Có lẽ vì thế mà họ có những nhận xét khá xác đáng về báo chí và phim ảnh... Đêm văn nghệ nào các chiến sĩ cũng nhiệt thành cổ vũ tốp văn công đi theo Đoàn và vỗ tay râm ran hồi lâu rồi yêu cầu hát lại những khúc ca rung động lòng người. Xen vào các tiết mục “chính quy” là những tiết mục “tại chức” của các chiến sĩ và các thành viên Đoàn công tác. Giữa trùng khơi vang lên những “Hoa tím ngoài sân”, “Chia tay hoàng hôn”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Vòng tay cầu hôn”, “Sắc áo hải quân”, “Bước chân trên dải Trường Sơn”... rồi những khúc vọng cổ khá mùi mẫn, những làn quan họ dí dỏm, duyên dáng...

Trong ánh sáng đèn tôi nhận ra một chiến sĩ vừa mới gặp ban chiều bước lên “sân khấu”. Đó là Lữ Trọng Thành (quê Thanh Hóa), anh làm một lèo hai bài, một tân nhạc và một quan họ. Ở tuổi 24, Thành khá điển trai, mạnh khỏe (dù nắng biển, gió trời đã nhuộm cho anh nước da bánh mật). Tiếng reo hò tán thưởng khi anh vừa dứt cùng tràng pháo tay tỏ hết tấm lòng hâm mộ của khán giả.

Tiếp theo là cô văn công Quân khu 9, phải trình diễn tới 3 bài liền vì người xem quá nhiệt tình (tối hôm đó lại có cả khán giả trên các thuyền đánh cá của ngư dân cập mạn tàu của Đoàn để thưởng thức buổi biểu diễn độc nhất vô nhị trên biển cả bao la). Khi cô văn công kết thúc tiết mục “Em đi chùa Hương” để lát sau sẽ trình diễn tiếp thì một chiến sĩ đẹp trai lao tới, nắm cổ tay cô kéo lại sân khấu rồi tay cầm micrô, tay kia cầm một vật gì đó, với giọng tình tứ, anh “xuất khẩu thành thơ”: Biển khơi anh chẳng có hoa/ Có con ốc biển làm quà tặng em. Có tiếng la hét, “Tuyệt vời! Tuyệt vời” rồi những tràng pháo tay rộn rã nhịp theo con tàu dập dềnh trên biển cả đêm thâu...

Tuổi trẻ Trường Sa, các chàng trai tuấn tú với ý chí, nghị lực kiên cường và nhiệm vụ phi thường bảo vệ quần đảo đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi những ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ và mãi mãi trường tồn. Về tới Hà Nội, tôi ra ngay bưu điện Bờ hồ gửi cả bó thư mà các chiến sĩ đã nhờ gửi hộ, trong đó có hơn chục lá của Lữ Trọng Thành gửi về cùng một địa danh quê anh.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/cac-chien-si-tre-tren-quan-dao-truong-sa-ngay-ay-i326088/