Các con tàu Trung Quốc bất ngờ biến mất khiến thế giới đau đầu
Các con tàu ở vùng biển Trung Quốc đang biến mất khỏi hệ thống theo dõi của ngành hàng hải quốc tế, tạo ra một cơn đau đầu khác cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự biến mất dễ hiểu từ 1 tháng qua
Sự cô lập ngày càng tăng của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới - cùng với sự ngờ vực ngày càng sâu sắc về ảnh hưởng của nước ngoài - có thể là nguyên nhân.
Các nhà phân tích cho biết, họ bắt đầu nhận thấy sự sụt giảm lưu lượng vận chuyển vào cuối tháng 10, khi Trung Quốc chuẩn bị ban hành luật quản lý dữ liệu riêng tư.
Thông thường, các công ty dữ liệu về vận chuyển có thể theo dõi các con tàu trên toàn thế giới vì tàu được trang bị Hệ thống Nhận dạng Tự động, hoặc AIS, bộ thu phát.
Hệ thống này cho phép tàu gửi thông tin - chẳng hạn như vị trí, tốc độ, hướng đi và danh tính - đến các trạm đóng dọc theo bờ biển bằng cách sử dụng vô tuyến tần số cao. Nếu một con tàu nằm ngoài phạm vi của các trạm đó, thông tin có thể được trao đổi qua vệ tinh.
Nhưng điều đó không xảy ra ở Trung Quốc, một nhân tố quan trọng trong thương mại toàn cầu. Trong ba tuần qua, số lượng tàu gửi tín hiệu từ nước này đã giảm gần 90%, theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu toàn cầu về vận chuyển VesselsValue.
Charlotte Cook, nhà phân tích thương mại tại VesselsValue cho biết: “Chúng tôi hiện đang chứng kiến sự giảm sút tín hiệu AIS trên toàn ngành ở Trung Quốc".
Luật dữ liệu mới có thể làm trầm trọng thêm sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng.
Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, đóng vai trò cung cấp thông tin cho báo chí, đã không trả lời về lý do tại sao các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển mất quyền truy cập vào dữ liệu.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng họ có thể đã tìm ra thủ phạm: Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1.11. Luật yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu phải nhận được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc trước khi họ có thể xuất thông tin cá nhân khỏi Trung Quốc. Quy tắc này phản ánh việc Bắc Kinh lo sợ rằng những dữ liệu như vậy có thể rơi vào tay các chính phủ nước ngoài.
Luật không đề cập đến dữ liệu vận chuyển. Nhưng các nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc có thể giữ lại thông tin để đề phòng, theo Anastassis Touros, trưởng nhóm mạng AIS tại Marine Traffic, một nhà cung cấp thông tin theo dõi hàng hải.
"Bất cứ khi nào bạn có luật mới, chúng tôi cần có một khoảng thời gian để kiểm tra xem mọi thứ có ổn không", Touros nói.
Cook cho biết bà đã nghe các báo cáo vào đầu tháng 11 nói rằng một số bộ thu phát AIS đã được gỡ bỏ khỏi các trạm dọc theo bờ biển Trung Quốc, theo chỉ thị của các cơ quan an ninh quốc gia.
Trong một tuyên bố, VesselsValue cho biết họ không có bình luận nào về luật mới hoặc lý do đằng sau việc hạn chế thông tin dữ liệu, nhưng chỉ rằng đã có sự sụt giảm trong các tín hiệu được báo cáo từ nguồn bên thứ 3.
Thế giới đau đầu vì sự biến mất này
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các trạm AIS dọc theo bờ biển Trung Quốc được xây dựng hợp pháp theo các điều ước quốc tế "chưa bị đóng cửa" và "đang hoạt động bình thường". Đồng thời cho biết, các nền tảng AIS công khai cũng đang hoạt động bình thường.
Đúng là không phải tất cả dữ liệu đều biến mất: Vệ tinh vẫn có thể được sử dụng để thu tín hiệu từ tàu. Nhưng Touros nói rằng khi một con tàu ở gần bờ, thông tin thu thập được từ vệ tin sẽ không tốt bằng tín hiệu có thể thu thập từ mặt đất. Ông giải thích thêm: “Chúng ta cần các trạm trên mặt đất để có hình ảnh rõ nét hơn, chất lượng cao hơn".
Khi Giáng sinh đang đến gần, việc mất thông tin từ Trung Quốc đại lục - nơi có 6 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới - có thể tạo ra thêm nhiều vấn đề cho ngành vận tải biển toàn cầu vốn đã gặp khó khăn. Chuỗi cung ứng đã căng thẳng trong năm nay do các cảng bị tắc nghẽn nghiêm trọng, hiện phải vật lộn để theo kịp với nhu cầu hàng hóa đang hồi lại sau dịch.
Theo Cook từ VesselsValue, các công ty vận chuyển dựa vào dữ liệu AIS để dự đoán chuyển động của tàu, theo dõi xu hướng theo thời vụ và cải thiện hiệu quả hoạt động của cảng. Bà cho biết việc thiếu dữ liệu của Trung Quốc "có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hiển thị chuỗi cung ứng của Trung Quốc trên khắp đại dương". Nước này là một trong những nhà nhập khẩu than và quặng sắt lớn trên thế giới, cũng như là nhà xuất khẩu lớn các container.
Georgios Hatzimanolis, chiến lược gia truyền thông của Marine Traffic cho biết: “Khi chúng ta bước sang giai đoạn Giáng sinh, nó sẽ có tác động thực sự lớn đến chuỗi cung ứng và đây là yếu tố quan trọng nhất hiện nay”. Hatzimanolis đồ rằng việc mất dữ liệu tàu "từng phút" từ Trung Quốc sẽ có "tác động lớn đến chuỗi cung ứng", vì các công ty có thể mất thông tin quan trọng về thời gian cập cảng, dỡ hàng và rời tàu.
Ông nói thêm, chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu "căng thẳng lớn". "Nó không cần thêm một yếu tố khác để làm cho tình hình khó khăn hơn".
Trung Quốc muốn tự cô lập
Mong muốn của Trung Quốc giữ quyền kiểm soát tuyệt đối đối với tất cả dữ liệu và thông tin trong biên giới của họ không có gì đáng ngạc nhiên, vì Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định lại sự thống trị của đảng cầm quyền trên mọi khía cạnh kinh tế và xã hội.
Nước này đã và đang thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp của nền kinh tế khi phải đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công nghệ quan trọng.
Ông Tập nhấn mạnh mục tiêu tự lực cánh sinh của mình từ những năm trước và khi cuộc chiến thương mại và công nghệ gay gắt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc đang khởi động "Made in China 2025", một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy nền sản xuất của Trung Quốc sang các lĩnh vực công nghệ tiên tiến hơn.
Một số quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh gần đây đã cố gắng dập tắt những lo ngại của các nhà đầu tư toàn cầu rằng đất nước đang tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới vì ưu tiên an ninh quốc gia.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, phát biểu với Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg ở Singapore rằng Trung Quốc sẽ không "phát triển cô lập với thế giới". Phát biểu qua video, ông Vương cũng kêu gọi các quốc gia giữ cho chuỗi cung ứng "ổn định và trơn tru".
Nhưng các chính sách của Trung Quốc trong đại dịch coronavirus thường có vẻ khác với tuyên bố. Ví dụ, trong đại dịch, ông Tập đã tăng cường thúc đẩy tự lực cánh sinh, nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra các chuỗi cung ứng "độc lập và có thể kiểm soát" để đảm bảo an ninh quốc gia.
Và đợt kiềm chế sâu rộng của nước này đối với công nghệ đã kéo dài vào mùa hè này đối với các đợt IPO (phát hành cổ phiếu) ra nước ngoài, khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đề xuất rằng các công ty lớn với hơn một triệu khách hàng cần phải được chấp thuận trước khi niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Cũng như với luật bảo mật dữ liệu gần đây, cơ quan này viện dẫn những lo ngại về việc liệu dữ liệu cá nhân do các công ty đó nắm giữ có thể bị chính phủ nước ngoài khai thác hay không.
Tuy nhiên, theo CNN, các hành động của Trung Quốc trong năm nay có thể phải trả giá nếu nước này đi quá xa trong nỗ lực bảo vệ mình khỏi sự can thiệp của nước ngoài.