Các địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó hoàn lưu bão số 4
Ngày 29/8, UBND tỉnh đã có văn bản số 3983/UBND-NLN, chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND các huyện, thành phố chủ động, sẵn sàng trong công tác phòng, chống thiên tai có thể xảy ra.
Văn bàn nêu rõ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ đêm 29/8 trở đi diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng (đợt mưa này khả năng kéo dài khoảng 4 ngày); lũ trên các sông, suối dâng cao, chảy siết; sạt lở ở những nơi có độ dốc lớn, kết cấu đất yếu và lũ quét xảy ra trên các sông, suối là rất cao. UBND tỉnh chỉ đạo:
1. UBND các huyện, thành phố:
- Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên các bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, của tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động có các biện pháp phòng, tránh và ứng phó kịp thời, đảm bảo các điều kiện tổ chức Lễ khai giảng năm học mới; tăng thời lượng truyền thông về tình hình thời tiết trên hệ thống loa, đài truyền thanh, thôn, xã; phát huy vai trò của Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn để tuyên truyền đến người dân.
- Rà soát, lập danh sách những cá nhân, hộ gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở; đồng thời xác định nơi an toàn để sẵn sàng di chuyển người, tài sản đến tạm trú khi cần thiết. Đối với những hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải di chuyển nhưng không chấp hành di chuyển, cần kiên quyết cưỡng chế di dời ngay người, tài sản đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra; kiểm tra trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tại chỗ nhằm sẵn sàng phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai, gia cố, sửa chữa hệ thống thủy lợi, nạo vét và khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ.
- Tổ chức cắt, tỉa cành cây có nguy cơ ảnh hưởng đến hành lang lưới điện, nhà ở; chằng chống, gia cố các biển báo, pa nô, áp phích... nhằm hạn chế thiệt hại do mưa, bão.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các chủ đập hồ chứa thủy điện, thủy lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, thực hiện vận hành hồ chứa đúng quy trình.
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống thiên tai tại công trường. Chỉ đạo các đơn vị trực tiếp thi công ngoài công trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản, vật tư, phương tiện. Tuyệt đối không để người, phương tiện qua lại lòng sông, suối, ngầm tràn khi có mưa, lũ;
2. Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan Thường trực công tác phòng, chống thiên tai) chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phương án phòng, tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Có phương án sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt, lở đất, đá đến nơi an toàn.
- Tăng cường cán bộ thực hiện nhiệm vụ trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, thiên tai để kịp thời ứng phó; khi có thiệt hại xảy ra cần tổng hợp, báo cáo kịp thời.
3. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng:
- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát trên các tuyến giao thông nhằm kịp thời phát hiện những vị trí có nguy cơ sụt lún, sạt lở để có ngay phương án xử lý.
- Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn và phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún, ngầm tràn, bến đò, đường bị ngập úng để người tham gia giao thông chủ động phòng, tránh; đặc biệt là những vị trí đã bị sụt lún nền đường, sạt lở ta luy âm, dương.
- Nghiêm cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm; cấm tàu, thuyền tham gia lưu thông trên sông, suối, ngầm tràn khi không đảm bảo an toàn và đang có lũ.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo giao thông trong mọi tình huống, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 279, 4D và các tuyến huyện lộ.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực ven sông, suối.
5. Sở Công thương:
Chỉ đạo nhà máy thủy điện theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, mưa, lũ và lưu lượng nước về hồ, vận hành xả đón lũ theo đúng quy trình được duyệt; tổ chức cắm biển cảnh báo ranh giới lòng hồ; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất lợi xảy ra; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, cảnh báo cho người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng chủ động di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Xây dựng phương án ứng phó trước mưa, bão để bảo đảm chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Lễ khai giảng năm học mới.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng, tránh, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu và sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.
8. Các sở, ngành thành viên còn lại:
- Theo nhiệm vụ được phân công và lĩnh vực quản lý, chủ động phối hợp với các địa phương để thực hiện tốt công tác phòng, tránh thiên tai.
- Khi có tình huống thiên tai xảy ra gây thiệt hại, cần đến ngay hiện trường phối hợp cùng chính quyền địa phương chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả. Thường xuyên báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Căn cứ nội dung trên, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện.