Các hộ dân sống giáp ranh với Ninh Thuận mong được hỗ trợ

Dịch Covid-19 khiến cho gia đình nghèo trở nên khó khăn hơn, nhiều trong số đó nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nguồn, nhưng có những gia đình không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Những gia đình sống ở khu vực giáp ranh giữa Bình Thuận - Ninh Thuận là những trường hợp như vậy.

Các hộ dân sống giáp ranh với Ni

 Người dân sống vùng giáp ranh Bình Thuận – Ninh Thuận.

Người dân sống vùng giáp ranh Bình Thuận – Ninh Thuận.

Thấp thỏm qua ngày

Khu vực giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận nằm ở cuối thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Hiện khu vực này có khoảng hơn 100 hộ dân có hộ khẩu thường trú ở Ninh Thuận sống tạm trú ở đây, làm nghề tự do như lượm ve chai, phân bò, hầm than... và ai thuê gì làm nấy. Nhiều năm qua, họ sống như không có địa phương nào quản lý. Con cái đến tuổi đi học và đi làm ở các công ty, nhà máy thì được đi học và xác nhận tại nơi tạm trú. Mọi chế độ chính sách muốn được hưởng phải về quê, vì liên quan đến hộ khẩu. Nhưng quê ở cách xa hàng chục cây số, hơn nữa đã bỏ đi khá lâu, nhà cửa đất đai không có, địa phương cũ không còn quản lý để xác nhận. Điển hình là bà Dương Thị Danh ở huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận đến khu vực giáp ranh này lập nghiệp từ những năm 2000. Cuộc sống gia đình khó khăn, hàng ngày bà đi lượm ve chai bán kiếm tiền nuôi đứa con bệnh tật do tai nạn giao thông. Bà đến UBND xã Vĩnh Tân xin được vào diện hộ nghèo để nhận hỗ trợ theo quy định, nhưng không được, vì hộ khẩu của bà ở Ninh Sơn. Nhưng về Ninh Sơn thì cũng không được, vì bà xa quê đã 20 năm.

Sống cam phận là công dân không chính thức ở thôn Vĩnh Hưng, nhiều hộ trong số họ rất nghèo, làm ngày nào chỉ đủ ăn ngày đó. Thỉnh thoảng vào dịp lễ, tết, còn dư phần quà nào thì UBND xã Vĩnh Tân mang đến tặng. Năm nay là năm khó khăn nhất, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến cuộc sống vốn khó khăn lại khó khăn thêm. Bị cách ly ở nhà, đồng nghĩa với việc không đi làm thì không có tiền để mua gạo ăn. Bà Nguyễn Thị Hòa (62 tuổi), sống một mình, ai thuê gì làm nấy, đã phải nhờ người thân ở quê giúp đỡ vài trăm ngàn đồng tằn tiện, để sống qua những ngày dịch bệnh. Bà nói với người hàng xóm cùng cảnh ngộ, ước gì có ai giúp đỡ mình lúc này, như thấy ở nhiều nơi. Tương tự, vợ chồng chị Hồng Hà, ngoài ai thuê gì làm nấy, còn đi lượm phân bò bán. Dịch bệnh chị Hà vẫn đi lượm phân bò, nhưng bán chẳng ai mua. Thương gia đình anh chị và các cháu, một người em ở TP. Hồ Chí Minh cũng nghèo khó gửi về vài trăm ngàn đồng cho anh chị mua gạo nuôi 3 cháu.

Cần được quan tâm

Phần lớn họ định cư đã khá lâu, nhưng không được nhập khẩu ở xã Vĩnh Tân, vì liên quan ranh giới chồng lấn giữa 2 tỉnh chưa được giải quyết rõ ràng. Điều đó khiến họ không được hưởng bất cứ chế độ chính sách xã hội nào theo quy định, giống như kiểu bên tỉnh này cứ tưởng họ hưởng bên tỉnh của họ và ngược lại. Chính vì vậy họ chịu nhiều thiệt thòi, luôn mong ước được nhập khẩu tại xã Vĩnh Tân để được hưởng mọi chế độ chính sách từ địa phương như bao hộ khác. Đặc biệt là được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sang – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân về những khó khăn của họ, ông thừa nhận đây là vấn đề khó cho địa phương, vì khu vực này đa số hộ dân có hộ khẩu từ Ninh Thuận. Về mặt Nhà nước, chưa thừa nhận khu vực này là khu dân cư vì có sự chồng lấn và lấn chiếm đất đai giữa người dân 2 tỉnh. Địa phương đã kiến nghị với cấp trên có chủ trương giải quyết để cuộc sống của họ ổn định và dễ xử lý liên quan đến chế độ chính sách...

Trước ảnh hưởng của đại dịch, chủ trương của Đảng và Nhà nước là "không để ai bị bỏ lại phía sau". Từ thực tế khó khăn của những hộ dân khu vực giáp ranh xã Vĩnh Tân, địa phương cần có sự tháo gỡ để hỗ trợ như bao hộ gia đình khác, để họ vượt qua khó khăn này.

Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/cac-ho-dan-song-giap-ranh-voi-ninh-thuan-mong-duoc-ho-tro-127024.html