Các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động
Kể từ đầu tháng 7, nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài. Điều này thể hiện thanh khoản các ngân hàng đang rất dồi dào, trong khi việc cho vay đang gặp khó khăn.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố biểu lãi suất mới với việc giảm mạnh lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn.
Cụ thể, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, Vietcombank áp dụng mức lãi suất chỉ 3,7%/năm, giảm 0,4% so với trước đó. Kỳ hạn 3 tháng ngân hàng cũng giảm xuống 4%/năm so với mức 4,25%/năm trước đó.
Các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng cũng giảm 0,3 điểm phần trăm, xuống còn lần lượt 4,4%/năm và 4,6%/năm.
Đáng nói, tại các kỳ hạn dài hơn, từ 12 tháng đến 36 tháng, Vietcombank cũng điều chỉnh giảm khá mạnh. Mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng chỉ còn 6,1%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng, thay vì 6,6%/năm trước đó.
Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động tại Vietcombank chỉ còn 6%/năm, kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,8%/năm.
Tại BIDV, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 1/7 cũng giảm 0,3%/năm đối với kỳ hạn 1 – 2 tháng, xuống còn 3,7%/năm. Kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống còn 4%/năm. Kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng lần lượt còn 4,4%/năm và 4,6%/năm. Lãi suất cao nhất ở ngân hàng này đang áp dụng cho các kỳ hạn từ 364 ngày trở lên, ở mức chỉ 6%/năm, giảm mạnh so với 6,8%/năm trước đó.
Tương tự, tại Vietinbank, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ 6%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Các kỳ hạn 1 đến dưới 3 tháng là 3,7%/năm, giảm 0,3%/năm; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 4%/năm, giảm 0,25%/năm; từ 6 tháng đến dưới 9 tháng là 4,4%/năm, giảm 0,5%/năm; từ 9 tháng đến dưới 12 tháng là 4,6%/năm.
Tương tự, tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm sâu. Tại nhiều ngân hàng, chênh lệch với khối big4 không còn quá lớn như trước đây.
Như tại VPBank, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 2/7 đã giảm mạnh, mức lãi suất cao nhất áp dụng với tiền gửi tiết kiệm thường dành cho số tiền gửi dưới 300 triệu đồng chỉ còn 6%/năm; với số tiền gửi từ 50 triệu đồng trở lên là 6,5%/năm. Với các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất 1-2 tháng dao động từ 3,5 – 3,7%/năm tùy số tiền gửi; kỳ hạn 3-5 tháng dao động 3,55 – 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,7-6%/năm; kỳ hạn 7-11 tháng từ 5,8-6,1%/năm; 12 – 13 tháng từ 5,9 – 6,4%/năm; kỳ hạn 15 – 36 tháng từ 6,0 – 6,5%/năm.
Hay tại Techcombank, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 3/7 cũng giảm mạnh và mặt bằng lãi suất tại ngân hàng này đang thấp nhất toàn hệ thống. Trong đó, lãi suất cao nhất tại Techcombank chỉ là 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên và số tiền gửi từ 50 tỷ trở lên và chỉ dành cho khách hàng ưu tiên; số tiền gửi dưới 1 tỷ mức lãi suất cao nhất chỉ là 5,6%/năm.
Trong khi đó, với khác hàng thường, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên chỉ dao động từ 5,2 - 5,7%/năm tùy số tiền gửi.
Đối với kỳ hạn 1 – 3 tháng, lãi suất tại Techcombank dao động từ 3,3 – 3,9%/năm tùy đối tượng khách hàng và tùy số tiền gửi. Kỳ hạn 6 tháng từ 5 – 5,8%/năm…
Tại các ngân hàng khác, lãi suất huy động cũng cũng được đồng loạt điều chỉnh từ đầu tháng 7 với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3 điểm %, một số nơi giảm trên dưới 0,5 điểm %.
Theo đánh giá chung, việc lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh là do thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang khá dồi dào. Không chỉ lãi suất trên thị trường dân cư giảm mà lãi suất liên ngân hàng cũng đang duy trì ở mặt bằng khá thấp, nhất là với kỳ hạn ngắn đã tiệm cận 0%/năm.
Cụ thể, lãi suất qua đêm, 1 tuần, 1 tuần đang lần lượt là 0,13%, 0,33% và 0,35%. Đối với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất liên ngân hàng đang là 1,1%/năm; 3 tháng 2,16%/năm; 6 tháng 4,09%/năm; 9 tháng 4,7%/năm.
Trong khi đó, do tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng rất thấp do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu. Do vậy, việc giảm lãi suất huy động có thể là một giải pháp để giảm chi phí.
Dù vậy, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tín dụng đang có xu hướng tăng trở lại, tính đến 29/6 đã tăng 3,26%, so với con số chỉ 2,13% ngày 16/6.