Các ngành, đơn vị, địa phương có sự gia tăng điểm số trong chuyển đổi số

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động các cơ quan nhà nước của tỉnh cũng như đánh giá được hiện trạng CĐS hàng năm tại các cơ quan nhà nước để có cơ sở định hướng, đưa ra các giải pháp nâng cao mức độ CĐS, ngày 20/12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-UBND-HC về việc “Ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng CĐS các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” (gọi tắt là DTI). So với kết quả đánh giá năm 2022, hầu hết các đơn vị, địa phương đều có bước phát triển tích cực về CĐS thông qua sự gia tăng vượt bậc điểm số và nhiều mô hình CĐS triển khai hiệu quả trong năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh (thứ 3 từ trái sang) trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho UBND huyện, thành phố đạt hạng cao trong chuyển đổi số năm 2023

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh (thứ 3 từ trái sang) trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho UBND huyện, thành phố đạt hạng cao trong chuyển đổi số năm 2023

Có kinh nghiệm từ đợt đánh giá năm 2022, năm 2023, lãnh đạo địa phương, đơn vị quan tâm đến công tác đánh giá mức độ CĐS; đã cử cán bộ đầu mối tiếp nhận tài khoản đánh giá và cập nhật dữ liệu theo đúng thời gian quy định. Việc đánh giá qua phần mềm và lưu trữ trực tuyến, các đơn vị, địa phương có thể xem được kết quả đánh giá (có ghi chú) cũng như phân tích những nội dung chưa đạt điểm của năm 2022 và có giải pháp khắc phục phù hợp, nên kết quả năm 2023 về điểm số có sự gia tăng rất tích cực.

Điểm tự đánh giá của các đơn vị đạt ở mức cao (>65%). Giá trị điểm trung bình DTI năm 2023 (gọi tắt là giá trị DTI 2023) của các đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 68% (136,69/200 - trên mức trung bình - khá); UBND cấp huyện là 79% (314,5/400 - mức khá trở lên).

Qua đánh giá, ngoài xác định được thứ hạng của các đơn vị, địa phương, tỉnh cũng nhận định được mức độ CĐS cũng như điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương mà có những chính sách, đầu tư, triển khai phù hợp. Đánh giá chung, mức độ CĐS của các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023 đều tăng từ mức dưới trung bình lên mức trung bình khá trở lên.

DTI cấp tỉnh có các chỉ số dùng để đánh giá các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh với tổng điểm đánh giá là 200 điểm dựa trên 6 chỉ số và 21 chỉ số thành phần bao gồm: nhận thức số (20 điểm), thể chế số (20 điểm), hạ tầng số (40 điểm), nhân lực số (30 điểm), an toàn thông tin mạng (40 điểm), hoạt động chính quyền số (50 điểm).

DTI cấp huyện có các chỉ số dùng để đánh giá các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố với tổng điểm đánh giá là 400 điểm dựa trên 8 chỉ số và 35 chỉ số thành phần bao gồm: nhận thức số (60 điểm), thể chế số (20 điểm), hạ tầng số (50 điểm), nhân lực số (50 điểm), an toàn thông tin mạng (40 điểm), hoạt động chính quyền số (90 điểm), kinh tế số (70 điểm), xã hội số (20 điểm).

Ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 447/QĐ-UBND-HC bổ sung điểm thưởng trong đánh giá chỉ số CĐS hằng năm đối với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố có mô hình mới, cách làm hay. Cụ thể, cơ quan, đơn vị và địa phương có mô hình, sáng kiến, đề tài CĐS được cấp có thẩm quyền phê duyệt: mỗi mô hình, sáng kiến, đề tài được cộng 5 điểm; địa phương có Tổ công nghệ số cộng đồng được tặng Bằng khen của UBND tỉnh: mỗi Bằng khen được cộng 10 điểm.

Vừa qua, hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia, Ngày CĐS tỉnh Đồng Tháp (10/10/2024), UBND tỉnh đã công bố bảng xếp hạng DTI năm 2023: cấp sở, ngành tỉnh: Sở Khoa học và Công nghệ hạng Nhất, Sở Công Thương hạng Nhì; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hạng Ba; các địa phương: huyện Tháp Mười hạng Nhất, TP Sa Đéc hạng Nhì và TP Cao Lãnh hạng Ba. Các đơn vị này được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác CĐS năm 2023.

CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc từ môi trường thực mà chúng ta đã quen thuộc sang môi trường mới là môi trường số. CĐS là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng để các địa phương phát triển. Tỉnh đã và đang nỗ lực thúc đẩy CĐS; triển khai có hiệu quả và đồng bộ nhiều giải pháp dựa trên 3 trụ cột CĐS là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh lựa chọn 3 lĩnh vực ưu tiên để tập trung thúc đẩy CĐS là nông nghiệp, y tế và giáo dục để thực hiện các nhiệm vụ chính trong Đề án CĐS của tỉnh. Tuy xuất phát điểm có thấp hơn các địa phương khác nhưng với sự kiên trì, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay kết quả CĐS của tỉnh Đồng Tháp đạt được một số kết quả tích cực. So với chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy Đồng Tháp có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt, 3/17 chỉ tiêu có khả năng đạt trong năm 2025 và 2/17 chỉ tiêu đạt kết quả thấp cần phải nỗ lực hơn mới có thể hoàn thành trong năm 2025; so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp: vượt và đạt 31/46 chỉ tiêu, chưa đạt 12/46 chỉ tiêu, 3 chỉ tiêu chưa có cơ sở đánh giá.

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chuyen-doi-so/cac-nganh-don-vi-dia-phuong-co-su-gia-tang-diem-so-trong-chuyen-doi-so-126581.aspx