Các nước châu Á đón Tết như thế nào?

Tết âm lịch hay còn gọi là Tết nguyên đán là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời, không thể thiếu trong đời sống của người dân nhiều nước châu Á.

Hầu hết các nước trong khu vực châu Á và một vài nơi trên thế giới đón năm mới theo Tết âm lịch, gắn với nhiều giá trị văn hóa độc đáo được bảo tồn cho tới ngày nay. Trong đó nổi bật là mâm cỗ tất niên thịnh soạn, khoảnh khắc gia đình đoàn viên chiều ngày cuối năm. Chúng ta hãy cùng dạo quanh nhiều thành phố, nhiều mảnh đất, vùng miền của các quốc gia châu Á để khám phá không khí đón năm mới tại đây.

Đảo Penang Malaysia

Có thể nói, đây là thành phố đa văn hóa, đa sắc tộc. Đến Penang vào đúng tết âm lịch, du khách không thể không ghé chân đến phố cổ George Town. Bởi khách du lịch sẽ nhanh chóng bị cuốn hút vào sắc màu nghệ thuật đường phố tại khu di sản thế giới với không gian văn hóa, nghệ thuật đi cùng năm tháng. Hàng năm, khu phố cổ này là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động chào đón năm mới như múa lân, biểu diễn võ thuật, âm nhạc dân gian.

Múa sư tử đón năm mới ở Penang Malaysia

Tết cũng là khoảng thời gian hiếm hoi để những người bán hàng rong tại đây được nghỉ ngơi nên bạn sẽ khó thấy sự xuất hiện của những đồ ăn hàng rong. Bù lại, thực khách lại có cơ hội được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của Penang.

Hongkong

Hongkong được xem là nơi đón tết âm lịch lớn nhất trên thế giới với nhiều sự kiện văn hóa hấp dẫn, sống động. Trong ngày đầu tiên của năm mới, người dân cùng nhau xuống đường đi bộ, điểm khởi hành từ đại lộ Ngôi sao (Avenue of Stars).

Dạo bước trên từng con phố của đảo Cửu Long (tên tiếng Anh là Kowloon), du khách sẽ được hòa mình vào không gian âm nhạc, những màn khiêu vũ sôi động và được thưởng thức những món ăn nhanh, mua sắm tại khu chợ đêm trên phố Chùa Temple Street.

Chưa hết, ngày sau đó, du khách sẽ được đắm mình trong lễ hội bắn pháo hoa hoành tráng, đầy ngoạn mục trên cảng Victoria Harbour yên bình cùng với lễ hội Ánh sáng lúc 8 giờ tối. Hứa hẹn đây sẽ là bữa tiệc âm thanh, sắc màu làm hài lòng mọi du khách. Muốn tìm cho mình không gian để thư giãn, bạn có thể tới khu chợ Tsim Sha Tsui.

Lễ hội đường phố rực rỡ sắc sắc màu chào năm mới ở Hongkong

Ngoài ra, ở đây còn có lễ hội đua ngựa tại Sha Tin trong ngày thứ ba của năm mới. Lễ hội này ước tính có 100.000 người tham dự. Họ thử vận may trong năm mới trên lưng những chú ngựa, hòa mình vào những điệu múa sư tử, biểu diễn âm nhạc để cùng nhau vui xuân sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Những ai là tín đồ của các loài hoa khi đến Hongkong dịp tết âm lịch sẽ không thể bỏ qua lễ hội hoa lớn nhất trong năm. Mỗi loài hoa tại lễ hội mang theo những thông điệp cùng ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Những khu mua sắm lớn như Causeway Bay là không gian của muôn hoa khoe sắc. Chính nét văn hóa trong ngày tết cũng đã phần nào cho thấy sức sống, sự năng động của Hongkong.

Thủ đô Manila, Philippines

Philippines có thể được xem là quốc gia có truyền thống đón tết âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hóa châu Á. Đến năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận tết âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm.

Tưng bừng đón năm mới ở thủ đô Manila.

Vậy người dân quốc đảo Philippines xinh đẹp đón năm mới thế nào? Trong những ngày tết, người dân nơi đây cũng đi chùa, nhà thờ cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng.

Không khí đón năm mới của người dân Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng. Về ẩm thực ngày tết của người Philippines là món bánh gạo ngọt (Tikoy). Bánh này được làm từ gạo nếp, trộn mỡ heo, đường và nước, sau đó trộn chung với trứng gà, đánh đều trước khi chiên. Chính sự hòa quyện của các nguyên liệu nên bánh Tikoy có ý nghĩa cầu chúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau.

Thượng Hải, Trung Quốc

Giao thừa, thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới với người dân Trung Hoa rất được coi trọng. Trước đó một giờ đã có những tràng pháo nổ giòn giã. Đặc biệt, tiêu biểu là tại chùa Long Hoa – một ngôi chùa cổ nhất ở Thượng Hải, nơi tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo lớn.

Trong đó, phải kể tới việc mời 108 nhà sư đánh tiếng chuông chùa đầu tiên trong thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa. Tiếng chuông báo hiệu một năm mới đã tới và tiếng chuông còn xua đi những linh hồn quỷ dữ, những điều xui xẻo.

Đèn lồng không thể thiếu trong nhiều lễ hội của người dân Trung Quốc

Người ta tin rằng tiếng chuông chùa Long Hoa rất linh thiêng, có thể mang lại cho họ một năm mới an lành và may mắn.

Trong nhiều lễ hội của người dân Trung Quốc đón chào năm mới không thể thiếu sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng. Tất cả đều sẵn sàng đón chào năm mới với nhiều hứng khởi.

Ẩm thực cũng là một phần quan trọng của văn hóa lễ hội. Mỗi một món ăn là cả một câu chuyện dài gắn liền với văn hóa Trung Quốc từ ngàn xưa như: Xunyu là món cá kho keo đặc biệt của Thượng Hải. Đây thực sự là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn vào đêm giao thừa của người dân nơi đây.

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc

Tết cổ truyền nơi xứ Hàn cũng là một lễ hội quan trọng nhất trong năm. Tết cũng là lúc con cháu đi xa quay trở về nhà, tỏ lòng biết ơn, lòng thành kính đối với tổ tiên, nguồn cội của mình.

Trong hai ngày đầu năm mới, nhiều cửa hàng, siêu thị đóng cửa. Nhưng không vì thế mà cản bước du khách đến đây chung vui năm mới. Trong đó phải kể đến ngôi làng truyền thống Namsangol Hanok ở thung lũng Namsan. Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức ẩm thực truyền thống trong ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Người Hàn Quốc gọi đó là Seollal.

Trang phục truyền thống cùng các trò chơi dân gian trong ngày tết cổ truyền nơi xứ Hàn.

Gangjeong là một loại kẹo truyền thống dùng trong các dịp đặc biệt như nghi lễ cúng tổ tiên hoặc tiệc lớn. Kẹo này làm từ bột gạo nếp nhào với nước, xắt miếng nặn thành hình rồi nhúng vào dầu sôi cùng với một lớp mật ong bọc ngoài.

Không chỉ vậy, tteok là bánh gạo truyền thống của Hàn Quốc làm từ bột nếp. Người Hàn Quốc thường ăn bánh tteok vào các dịp kỷ niệm mang ý nghĩa khởi đầu.

Thủ đô Bangkok, Thái Lan

Tết cổ truyền của đất nước Chùa vàng rực rỡ, lộng lẫy sắc màu của màn múa rồng đến âm thanh rộn ràng, tưng bừng của pháo. Năm mới, người dân Bangkok thường đến chùa Lengnoeiyi cầu may.

Đáng chú ý, lễ hội Songkran ở Bangkok được diễn ra vào dịp tết cổ truyền mừng năm mới. Đây là thời điểm người dân Thái Lan tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính.

Không gian văn hóa trong ngày tết âm lịch ở Bangkok.

Đặc biệt, trong lễ hội Songkran, người dân sẽ té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng… Theo quan niệm của người Thái Lan, những người càng được té nhiều nước càng may mắn trong cả năm.

Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch, không phân biệt màu da, ai nấy đều hòa vào màn té nước vui nhộn trong tình thân ái. Vào dịp này, người dân Thái Lan ai nấy đều náo nức, treo đèn trang trí, nhà nhà tưng bừng ánh điện, phố phường rất đông vui, náo nhiệt.

Phi Khanh

(theo Skyscanner)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/cac-nuoc-chau-a-don-tet-nhu-the-nao-42988.html