Các nước củng cố, hoàn thiện pháp luật về nhà giáo

Pháp luật về nhà giáo trên thế giới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, góp phần hình thành những thế hệ tương lai mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển xã hội bền vững. Những quy định này không chỉ thiết lập khung pháp lý rõ ràng để quản lý và phát triển đội ngũ giáo viên, mà còn bảo vệ quyền lợi của họ, từ đó nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp.

Bảo vệ quyền hợp pháp của giáo viên

Ở Mỹ, giáo viên trường công thường tham gia vào các công đoàn, nơi họ có thể đàm phán hợp đồng để được bảo vệ pháp lý và an ninh việc làm. Tính đến năm 2023, hơn 70% giáo viên trường công lập đã được gia nhập công đoàn, chủ yếu thông qua các tổ chức như Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEA) và Liên đoàn Giáo viên Mỹ (AFT). Hợp đồng công đoàn thường bao gồm các điều khoản về lương, điều kiện làm việc và bảo đảm việc làm. Nhiều bang có quy định rằng giáo viên được bổ nhiệm chính thức sau khi dạy từ 2 đến 5 năm, tùy từng nơi. Quyền được bổ nhiệm này bảo vệ giáo viên khỏi bị sa thải tùy tiện, nhờ đó 85% giáo viên giữ được công việc của mình.

Tương tự, tại Hàn Quốc, giáo viên được bảo vệ bởi các luật như Luật Đặc biệt về cải thiện tình trạng giáo viên, nhằm ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức và bị ngược đãi. Trong những năm gần đây, Chính phủ rất chú trọng giải quyết những lo ngại về tình trạng kiệt sức của giáo viên, bởi cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy hơn 30% giáo viên báo cáo rằng họ phải làm việc quá tải. Các quy định mới cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ giáo viên trước những hành vi lạm dụng ngôn từ hoặc thể chất từ học sinh hay phụ huynh, đồng thời áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những vi phạm này.

Còn tại Trung Quốc, Luật Nhà giáo được ban hành năm 1993 và cập nhật vào năm 2021, quy định rõ ràng quyền lợi của giáo viên, bao gồm tiêu chuẩn lương, đào tạo chuyên môn và bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Theo báo cáo năm 2021 của Bộ Giáo dục, Trung Quốc có hơn 17 triệu giáo viên trên khắp các cấp học. Việc xâm phạm quyền lợi của giáo viên, bao gồm sa thải không công bằng hoặc bị quấy rối, có thể dẫn đến các hình phạt tài chính hoặc pháp lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của phúc lợi giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Những chính sách đặc biệt

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho giáo viên, pháp luật về nhà giáo tại các nước không ngừng được hoàn thiện nhằm đưa ra những chính sách phù hợp với thực tế.

Tại Scotland, “Chương trình Giáo viên chuyên môn”, được đưa ra năm 2003, kéo dài đến năm 2012, là sáng kiến phát triển chuyên môn được thiết kế để khen thưởng những giáo viên giàu kinh nghiệm theo đuổi các bằng cấp bổ sung và chứng minh được chuyên môn giảng dạy nâng cao. Chương trình này cho phép giáo viên thăng tiến về lương bổng mà không cần phải đảm nhận các vị trí quản lý như hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng. Điều này mở ra cơ hội cho những giáo viên muốn gắn bó với công việc giảng dạy, đồng thời vẫn đạt được sự công nhận chuyên môn và tăng thu nhập.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Để được cấp chứng chỉ, các giáo viên được yêu cầu hoàn thành một loạt các khóa phát triển chuyên môn được các trường đại học Scotland công nhận. Chương trình có tính nghiêm ngặt cao, thường kéo dài vài năm để hoàn thành, đòi hỏi ứng viên phải chứng minh được sự xuất sắc trong giảng dạy, khả năng lãnh đạo trong các hoạt động giáo dục, và cam kết không ngừng nâng cao chuyên môn.

Những giáo viên hoàn thành toàn bộ chương trình có thể tăng lương lên tới 6.000 bảng Anh mỗi năm, một con số đáng kể cho phép có thu nhập nhiều hơn mà không cần chuyển sang các vai trò hành chính. Tuy nhiên, đến năm 2012, chương trình đã bị ngừng do vấp phải nhiều chỉ trích, chẳng hạn như chi phí quá lớn để theo đuổi danh hiệu “giáo viên chuyên môn cao” và lo ngại về việc phân bổ lợi ích không đồng đều trong toàn ngành. Mặc dù đã kết thúc, chương trình vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận và khen thưởng những giáo viên có kỹ năng ở Scotland, mở đường cho các sáng kiến khác như Scottish Professional Update, hỗ trợ sự cải thiện chuyên môn liên tục của giáo viên thông qua cập nhật kiến thức và thực hành giáo dục.

Trong khi đó, New Zealand triển khai nhiều chính sách khác nhau nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các vùng nông thôn và khó tuyển dụng. Đó là các ưu đãi về lương thưởng hoặc mức lương khởi điểm cao hơn; hỗ trợ tái định cư bằng cách chi trả chi phí chuyển nhà, cung cấp chỗ ở tạm thời. Hơn nữa, giáo viên còn được nghỉ phép bổ sung, giúp cân bằng giữa công việc và cuộc sống… Ngoài ra, họ còn được tạo điều kiện tiếp cận với các chương trình phát triển chuyên môn phù hợp với nhu cầu, bao gồm các khóa đào tạo trực tuyến, chương trình cố vấn và cơ hội hợp tác giữa các nhà giáo để nâng cao kỹ năng giảng dạy. Các chính sách này nhằm bảo đảm cho học sinh, bất kể vị trí địa lý, đều có quyền tiếp cận nền giáo dục chất lượng và giáo viên giàu kinh nghiệm.

Tuyển chọn giáo viên kỹ càng

Luật Giáo dục của Phần Lan bảo đảm quyền tiếp cận miễn phí và bình đẳng với nền giáo dục chất lượng cao cho tất cả học sinh. Theo luật, giáo viên phải có bằng thạc sĩ giáo dục, đây là yêu cầu chính trong chiến lược của đất nước nhằm bảo đảm đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Luật cũng quy định quyền phát triển chuyên môn của giáo viên và đặt ra kỳ vọng về việc duy trì các tiêu chuẩn giảng dạy cao.

Tại Australia, Luật Tiêu chuẩn giáo viên thay đổi theo từng bang. Ví dụ, ở các bang như New South Wales, giáo viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn chuyên môn nhất định để được công nhận, nhằm bảo đảm họ đạt đủ năng lực. Quá trình công nhận cũng yêu cầu giáo viên liên tục phát triển chuyên môn để duy trì tiêu chuẩn này. Ngoài ra, luật pháp đất nước chuột túi yêu cầu tất cả giáo viên phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch toàn diện để đánh giá khả năng phù hợp làm việc với trẻ vị thành niên. Yêu cầu này là một phần của pháp luật bảo vệ trẻ em rộng hơn, nhằm bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh. Chẳng hạn, giáo viên phải trải qua quá trình kiểm tra của cảnh sát quốc gia, sàng lọc mọi tiền án có thể gây nguy hiểm cho trẻ em. Đáng nói là, kiểm tra lý lịch không phải là yêu cầu một lần. Nhiều khu vực pháp lý triển khai hệ thống giám sát liên tục, nghĩa là lý lịch của giáo viên được xem xét thường xuyên để bảo đảm tuân thủ liên tục các tiêu chuẩn an toàn.

Tại xứ sở sương mù, Luật Giáo dục (2002) xác định nhiệm vụ và tiêu chuẩn cho giáo viên ở Anh và xứ Wales. Nó quy định rõ trình độ giáo viên, khuôn khổ pháp lý cho việc tuyển dụng giáo viên và các điều kiện về hành vi chuyên môn. Giáo viên phải chịu sự đánh giá hiệu suất và được kỳ vọng sẽ tham gia vào quá trình phát triển chuyên môn liên tục.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, giáo viên phải vượt qua kỳ thi TET (Teacher Eligibility Test- kỳ thi đánh giá năng lực giáo viên) mới được coi là đủ điều kiện để giảng dạy tại các trường công lập. Luật muốn bảo đảm rằng, chỉ những chuyên gia đủ tiêu chuẩn mới được phép giảng dạy, từ đó nâng cao tiêu chuẩn giáo dục trên toàn quốc.

Ngọc Minh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cac-nuoc-cung-co-hoan-thien-phap-luat-ve-nha-giao-post392412.html