Các thông điệp về bình đẳng giới ngày càng lan tỏa trong xã hội

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tại Hội nghị sơ kết Chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 19-12, tại Hà Nội.

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới không có ranh giới về xã hội, kinh tế hay lãnh thổ quốc gia bởi nó xảy ra trong mọi tầng lớp xã hội, từ nông thôn tới thành thị, từ những quốc gia phát triển cho tới những nước đang phát triển.

 Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Báo cáo của Liên hợp quốc về bạo lực đối với phụ nữ năm 2015 cho thấy: 35% phụ nữ trên toàn thế giới, tức là cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người đã trải qua một trong các dạng bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục trong cuộc đời; cứ 10 em gái dưới 18 tuổi thì có một người bị ép buộc phải quan hệ tình dục ngoài ý muốn và bạo lực gây ra hơn 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Theo số liệu thống kê năm 2017 của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mỗi ngày có tới 137 phụ nữ bị giết hại bởi thành viên trong gia đình.

 Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng ứng mạnh mẽ Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ. Và bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ đã chính thức giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 hằng năm. Tháng hành động tạo thành đợt truyền thông cao điểm, thu hút sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần lan tỏa rộng rãi các thông điệp, hình ảnh, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

 Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Thông qua các chiến dịch truyền thông hằng năm, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân và cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ rộng rãi những kinh nghiệm, kết quả trong việc triển khai các hoạt động truyền thông. Đây cũng là dịp để các bộ, ngành cùng lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương nhằm tổ chức ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn các hoạt động truyền thông của chiến dịch trong thời gian tới.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cac-thong-diep-ve-binh-dang-gioi-ngay-cang-lan-toa-trong-xa-hoi-605679