Các tỉnh miền núi phía bắc khắc phục hậu quả mưa to, dông lốc
Ngày 15-7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, tối 13-7 đã xảy ra mưa to kèm theo dông lốc gây thiệt hại tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Thái Nguyên.
Ngày 15-7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, tối 13-7 đã xảy ra mưa to kèm theo dông lốc gây thiệt hại tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Thái Nguyên.
Thiên tai đã làm 20 nhà bị tốc mái hư hỏng; hơn 430 ha lúa và hoa màu bị gãy đổ, vùi lấp, 4,5 ha ao cá bị tràn bờ; một đập tạm thủy lợi, 39,6 m kênh mương bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai và thăm hỏi động viên gia đình bị thiệt hại.
Ngày 15-7, tại tỉnh Vĩnh Long, mưa dông làm 2.753,5 ha lúa bị thiệt hại, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Tam Bình (1.200,5 ha), Long Hồ (852 ha), Vũng Liêm (654 ha), Mang Thít (41 ha) và thị xã Bình Minh (6 ha).
Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, vào lúc 6 giờ 31 phút 54 giây ngày 15-7, một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (10,398 vĩ bắc, 108,295 kinh đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Ðộng đất xảy ra tại khu vực ngoài khơi biển tỉnh Bình Thuận. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Ðây là một trong những trận động đất lớn được ghi nhận tại Việt Nam. Viện Vật lý địa cầu cho biết, hiện vẫn đang theo dõi trận động đất này.
Nắng nóng kéo dài suốt thời gian qua đã gây thiệt hại hơn 8.600ha lúa tái sinh ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).Theo tính toán ban đầu, vụ lúa tái sinh ở Lệ Thủy mất mùa làm nông dân thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Nhiều địa phương trong huyện có diện tích lúa tái sinh lớn cũng đang xem xét để chuyển sang thực hiện vụ hè thu tránh được nắng nóng kéo dài như năm nay.
Sáng 15-7, một con cá voi có chiều dài khoảng 4 đến 5 m đã xuất hiện ở vùng biển Cù Lao Chàm, TP Hội An (Quảng Nam). Theo Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, sự xuất hiện của cá voi là một tín hiệu tốt, cho thấy môi trường vùng biển thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đang được bảo tồn hiệu quả, có hệ sinh thái đa dạng.
Hiện nay, tỉnh Bình Ðịnh còn 29 hồ chứa nước xuống cấp; trong đó, có 16 hồ không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ những năm tới. Tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 197 tỷ đồng để tiếp tục sửa chữa, nâng cấp 16 hồ chứa nước không bảo đảm an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, ngày hôm qua (15-7), ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37°C, có nơi hơn 38°C. Dự báo, hôm nay (16-7), các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến đến 37°C, có nơi hơn 37°C; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có nơi hơn 39°C. Cảnh báo, từ ngày 17 đến 19-7 nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt có khả năng gia tăng ở Bắc Bộ. Các tỉnh Trung Bộ nắng nóng còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Yêu cầu chủ động ứng phó tình huống thiên tai, mưa lũ bất thường
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, vừa qua, tại một số nước trong khu vực đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ðể chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng và nhân dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, rà soát phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó cụ thể khi xảy ra mưa lũ lớn bất thường trên diện rộng nhằm chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.