Các trường tăng tốc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh

Càng đến gần khi thi, công tác ôn tập càng được các trường đẩy mạnh với hàng loạt giải pháp như khảo sát để phân loại học sinh, họp phụ huynh để phối hợp cùng nhà trường...

Học sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Học sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 sẽ bắt đầu. Các nhà trường đang nỗ lực tổ chức ôn tập cho học sinh với nhiều giải pháp như thi khảo sát, phân nhóm, tăng ca... để có thể giúp học trò đạt kết quả cao nhất.

Khảo sát để ôn thi hiệu quả

Đầu tháng Tư vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức thi khảo sát cho toàn bộ học sinh khối 12 trên địa bàn. Học sinh dự thi đủ các môn như kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông chính thức với ba bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) dành cho khối trường trung học phổ thông. Học sinh lớp 12 học chương trình giáo dục thường xuyên làm ba bài kiểm tra, trong đó có hai bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tổ chức khảo sát chung nhằm đánh giá chất lượng giáo dục đối với học sinh cuối cấp trên bình diện chung. Kết quả khảo sát là cơ sở để mỗi học sinh, giáo viên, nhà trường có kế hoạch ôn tập phù hợp trong giai đoạn tiếp theo và đạt kết quả tốt trong kỳ thi chính thức.

Bên cạnh kỳ thi chung toàn thành phố, Hà Nội cũng khuyến khích các cụm trường tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hướng đề chung, chấm chung nhằm động viên, thúc đẩy học sinh học tập, giúp ban giám hiệu đánh giá, điều chính kế hoạch của trường mình.

Cũng trong đầu tháng Tư, Hà Nội đã tổ chức riêng một hội nghị nhằm nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chỉ đạo các nhà trường tập trung ôn luyện, có kế hoạch, giải pháp cụ thể hỗ trợ học sinh, chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng sỹ tử. Mục tiêu của thành phố là đảm bảo chất lượng, nâng cao điểm số, cải thiện thứ hạng trong kết quả thi Tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thầy Đào Ngọc Sỹ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Hà Đông, Hà Nội) cho hay làm sao học sinh đạt điểm thi cao nhất cũng là mục tiêu của tất cả các nhà trường.

Chỉ còn hai tháng nữa, kỳ thi sẽ chính thức bắt đầu. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Chỉ còn hai tháng nữa, kỳ thi sẽ chính thức bắt đầu. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

“Kết quả khảo sát vừa qua của trường khá tốt, chỉ còn khoảng chục học sinh còn đuối và chúng tôi sẽ có giải pháp riêng cho các em. Trên cơ sở kết quả thi này, trường cũng đang chuẩn bị họp phụ huynh toàn khối 12 vào cuối tuần này để cùng trao đổi, thống nhất kế hoạch phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục, động viên, khích lệ học trò nỗ lực trong giai đoạn nước rút này,” thầy Sỹ chia sẻ.

Cũng theo thầy Sỹ, khó khăn của trường là thiếu hụt về cơ sở vật chất khi học sinh đông, số lớp vượt nhiều so với số phòng học nên không thể bố trí thời gian ôn tập trên lớp cho các em được nhiều như mong muốn.

Vừa học, vừa ôn

Với các trường vùng khó, việc ôn thi càng được chú trọng hơn, thậm chí kế hoạch ôn tập được triển khai ngay từ đầu năm, vừa học, vừa ôn.

Thầy Đỗ Phú Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết là trường vùng sâu, vùng xa, học sinh chịu nhiều thiếu thốn nên trường rất trăn trở việc ôn tập và động viên tinh thần cho các em. Ngay từ đầu năm học, trường đã chọn các giáo viên có năng lực tốt và chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn xây dựng nội dung chương trình bám theo chuẩn kiến thức kỹ năng để tổ chức ôn tập cho học sinh.

Ngay trong tháng 10/2022, sau khi bước vào năm học mới được một tháng, trường đã bắt đầu ôn tập cho học sinh lớp 12. Trong quá trình ôn tập, trường tổ chức khảo sát đánh giá để sàng lọc, phân loại đối tượng học sinh, từ đó có phương pháp ôn tập phù hợp cho từng đối tượng.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, các tổ nhóm chuyên môn lập tức phân tích đề để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho phù hợp và bám sát đề thi của bộ.

Là người trực tiếp ôn tập cho học sinh, cô Ma Thị Kim Thu, giáo viên môn Toán Trường Trung học phổ thông Na Hang cho hay các thầy cô đều xác định tinh thần vừa dạy vừa ôn, học đến đâu ôn và củng cố kiến thức cho các em đến đó.

“Ban đầu, chúng tôi ôn đồng bộ theo lớp, sau đó phân loại học sinh để ôn tập phù hợp với năng lực, kiến thức của các em. Thời gian ôn luyện của các em vào buổi chiều, mỗi môn chính ôn một buổi trong ba tiết,” cô Thu chia sẻ.

Để có thể dạy học tốt hơn, cô Thu tham gia vào các mạng lưới các giáo viên Toán trong tỉnh và các tỉnh khác để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu các phương pháp dạy học mới. “Tôi cũng động viên học trò phải tận dụng công nghệ để rút ngắn khoảng cách với học sinh miền xuôi. Cô làm được, trò cũng làm được. Cô trò cùng cố gắng. Vì thế, các em cũng bớt lo lắng và có nhiều quyết tâm hơn,” cô Thu chia sẻ.

Giống như Trường Trung học phổ thông Na Hang, sáng học chính khóa, chiều ôn tập cũng là kế hoạch giáo dục đã được Trường Trung học phổ thông Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) triển khai ngay từ đầu năm học.

Thầy Lâm Bình Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường chia học sinh thành ba nhóm đối tượng để có cách thức ôn tập phù hợp: thứ nhất là các em chỉ xét tốt nghiệp, thứ hai là các em vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, thứ ba là các em ôn song song với kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Trường cũng phân chia nhóm ôn tập theo khối, bộ môn mà các em lựa chọn thi để xét tuyển vào các trường đại học.

“Cả thầy và trò cùng nỗ lực từng ngày để có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới,” thầy Hưng nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-truong-tang-toc-on-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-cho-hoc-sinh/858443.vnp