Cách chi tiêu kỉ luật và quy tắc lập ngân sách 50-30-20 giúp ví tiền của bạn không bị 'thủng'

Cắt giảm chi tiêu không có nghĩa là phải thực hiện những thay đổi lớn. Thông thường, những thói quen chi tiêu nhỏ nhặt, không lành mạnh là nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại nhất.

 Thói quen chi tiêu không lành mạnh khiến chúng ta luôn trong tình trạng "lủng túi". Ảnh: Unsplash

Thói quen chi tiêu không lành mạnh khiến chúng ta luôn trong tình trạng "lủng túi". Ảnh: Unsplash

Cách một người tiêu tiền cũng quan trọng như cách họ quản lý nó. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn tự hỏi: "Làm thế nào mà tôi đã chi nhiều tiền như vậy?" Đó là do cách chi tiêu của bạn đang có vấn đề. Hãy thử xem 6 thói quen dưới đây có phải là nguyên nhân khiến bạn lúc nào cũng trong tình trạng "lủng túi" không nhé?

Mua sắm theo ý thích

Bạn có thường mua sắm một cách vô thức tùy thuộc vào tâm trạng và cảm giác của bạn tại thời điểm đó không?

Tất cả chúng ta đều có những yếu tố khởi phát khi đi mua sắm (lúc khó khăn, căng thẳng hay vui mừng vì mới được nhận lương), đó thường là những hoàn cảnh hoặc cảm xúc dẫn đến việc đưa ra các quyết định chi tiêu một cách bốc đồng và không cần thiết.

Quy tắc lập ngân sách 50-30-20

Chi tiêu tất cả các khoản thu nhập của bạn mà không có ngân sách và kế hoạch tiết kiệm là sai lầm phổ biến nhất của hầu hết mọi người.

Hãy phá bỏ thói quen này bằng cách áp dụng quy tắc 50-30-20, điều này sẽ có ích cho tương lai và những trường hợp khẩn cấp không lường trước được. Chi tiêu 50% thu nhập của bạn cho các nhu cầu thiết yếu mỗi tháng, 30% cho sở thích mong muốn và 20% cuối cùng còn lại dùng để tiết kiệm.

Không nên mua đồ vì... được giảm giá

Ai mà không thích mua hàng với giá tốt. Nhưng vấn đề xảy ra khi chúng ta mắc vào bẫy suy nghĩ rằng nên mua thứ gì đó đơn giản vì nó ở mức giá thấp chứ không phải vì chúng ta thực sự cần nó. Việc chi tiêu cho những “món hời” như thế này cuối cùng sẽ khiến bạn phải trả thêm rất nhiều tiền cho những thứ có thể sẽ không được sử dụng, vì ngay từ đầu bạn đã không có nhu cầu về chúng.

Mua hàng để "theo kịp" xã hội

Một số người luôn muốn theo kịp những thứ tương tự như bạn bè mình. Tuy nhiên, để có thể sống kiểu cao cấp đó, thì điều quan trọng cần nhớ là mỗi người đều có tình hình tài chính khác nhau.

Nếu bạn đang chi tiêu chỉ để cạnh tranh với những người khác hơn là thực sự cần nó thì đã đến lúc bỏ thói quen này đi. Sẽ tốt hơn nhiều khi bạn biết tiết kiệm tiền và chi tiêu vào những thứ hữu ích hơn trong tương lai.

Mua đi mua lại nhu yếu phẩm kém chất lượng

Bản chất của con người là tiết kiệm hết mức, vì vậy hầu hết mọi người thường chọn phương án mua đồ rẻ hơn nếu có thể. Tuy nhiên, đây không hẳn là một ý tưởng hay khi mua những thứ cần thiết hàng ngày.

Thay vì liên tục chi nhiều tiền hơn để thay thế hoặc sửa chữa một mặt hàng kém chất lượng, thì đầu tư nhiều hơn một chút cho một mặt hàng tốt hơn sẽ mang lại hiệu quả trong nhiều năm và rẻ hơn về lâu dài.

Mua quần áo theo nguyện vọng

Đừng mua quần áo cho tương lai. Hãy chi tiêu cho những gì phù hợp với bạn bây giờ! Bạn đã mua những bộ quần áo tập thể dục dễ thương với hy vọng rằng chúng sẽ thúc đẩy chúng ta tập thể dục thường xuyên hơn. Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra sau vài buổi tập đầu tiên.

Tương tự như vậy, việc chi tiền cho một bộ trang phục mà bạn không thực sự phù hợp ngay bây giờ nhưng mong muốn sẽ sớm mặc nó, cũng là một thói quen chi tiêu không lành mạnh khác cần phải bỏ ngay. Hãy sống thật với bản thân và cố gắng chi tiêu một cách hợp lý nhất có thể.

Linh Trang (AsiaOne)

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/cach-chi-tieu-ki-luat-va-quy-tac-lap-ngan-sach-50-30-20-giup-vi-tien-cua-ban-khong-bi-thung-d4701.html