Cách ly chưa hẳn là bệnh nhân

Trong khi dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều quốc gia, tại Việt Nam đã xảy ra tình trạng một số người giấu bệnh hoặc khai báo gian dối về lịch trình di chuyển.

Theo các chuyên gia y tế, cách ly không có gì đáng sợ, cách ly chưa hẳn là bệnh nhân. Đó là giải pháp y tế cơ bản để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khi gặp đợt dịch khó lường. Việc cách ly này vừa có lợi cho cá nhân và gia đình họ, vừa có lợi cho cộng đồng.

Cách ly không có gì đáng sợ

Nhiều người thuộc diện phải cách ly để theo dõi cho rằng không phải họ chủ quan hay xem thường nguy cơ, mà vì họ ái ngại phải bị cách ly. Thực tế, người bị cách ly chỉ tạo ra một giới hạn an toàn, nhằm giúp xã hội có điều kiện khu biệt và nhận diện nguồn lây nhiễm có thể phát tán ra cộng đồng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và Sở Y tế trao giấy xác nhận sức khỏe cho công dân Hàn Quốc sau cách ly. Ảnh: Hoàng Thía

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và Sở Y tế trao giấy xác nhận sức khỏe cho công dân Hàn Quốc sau cách ly. Ảnh: Hoàng Thía

COVID-19 hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả, cho nên phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” được đặt lên hàng đầu. Các ca nhiễm mới trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Cùng với đó lại xuất hiện tình trạng giấu bệnh hoặc khai báo gian dối về lịch trình di chuyển, thậm chí còn cho nhân viên thay thế mình để cách ly, điển hình như trường hợp ông L.T.H. là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty P.Đ (một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là người có mặt trên chuyến bay có người dương tính với COVID-19. Khi được cơ quan chức năng yêu cầu cách ly, ông H. đã “tráo” cấp dưới đi cách ly thay mình. Việc làm trên gây hoang mang cho cộng đồng, vừa đối mặt với mức xử lý theo quy định của pháp luật.

Không phải họ chủ quan hay xem thường nguy cơ, mà vì họ ái ngại phải bị cách ly. Thực tế, cách ly không có gì đáng sợ. Đó là giải pháp y tế cơ bản để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khi gặp đợt dịch khó lường. Cách ly vừa có lợi cho cá nhân và gia đình họ, vừa có lợi cho cộng đồng. Ngành y tế Việt Nam đủ kinh nghiệm và kỹ thuật để ứng phó dịch COVID-19, nhưng bài toán nan giải vẫn là tâm lý của đám đông. Bên cạnh đó là tâm lý sợ kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh và cộng đồng.

Người bị cách ly chưa hẳn là bệnh nhân và cũng không phải đối tượng để kỳ thị hoặc xa lánh. Người bị cách ly chỉ tạo ra một giới hạn an toàn, nhằm giúp xã hội có điều kiện khu biệt và nhận diện nguồn lây nhiễm có thể phát tán. Đừng nghiêm trọng hóa chuyện cách ly, thì sẽ thấy giải pháp ấy nhẹ nhàng và ấm áp cho bản thân và người xung quanh. Bởi lẽ, người bị cách ly sẽ nhận được sự giám sát và hỗ trợ kịp thời nhất, ưu việt nhất trong mọi tình huống cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh. Còn cộng đồng thì vẫn duy trì được mọi sinh hoạt bình thường.

Xử lý nghiêm trường hợp

giấu bệnh

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 9/3 sau khi nghe Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh. Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế để ngăn chặn COVID-19 thành công.

Trong thời gian tới, số mắc COVID-19 có thể tiếp tục tăng do hiện nay các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân số 17 trên chuyến bay VN00054 chưa được kiểm soát triệt để. Bên cạnh đó, số nước trên thế giới có dịch đang tăng lên khiến việc ngăn chặn dịch bệnh vào Việt Nam khó khăn hơn. Quan trọng là kiên trì các phương pháp chống dịch, đó là phát hiện, ngăn chặn, cách ly và khoanh vùng dập dịch.

Theo luật sư Phạm Huy Tuyến (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), ngày 01/02/2020, Thủ tướng đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch bệnh nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Tại Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng.

Theo quy định các chế độ hỗ trợ đối với người bị cách ly tại cơ sở y tế, được cấp miễn phí không thu tiền, đảm bảo các vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế...Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi (đối với người có thẻ BHYT)...

Vì thế, trong khi cả nước đang dồn sức chống dịch, những hành vi không khai báo trung thực, giấu bệnh hay trốn cách ly đang đi ngược với sự nỗ lực của toàn xã hội, cần phải được xử lý nghiêm minh. Có như thế, mới hạn chế được những hậu họa khó lường ảnh hưởng tới cộng đồng và đất nước.

Lâm Viên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-ly-chua-han-la-benh-nhan-n169959.html