Cách nào xử lý cây xanh ngã đổ do bão lũ?

Sau bão lũ, hàng loạt cây xanh ở các khu đô thị, làng xóm bị ngã đổ, gãy cành, gây thiệt hại về tài sản và sinh mạng của người dân. Theo lẽ thường, phần lớn số cây xanh này được cắt bỏ, giải phóng giao thông đi lại cho người dân. Nhưng việc cắt bỏ này chưa hợp lý, gây lãng phí. Tôi đề xuất một số ý kiến về việc xử lý cây xanh ngã đổ này.

Hàng loạt cây xanh ở các khu đô thị bị ngã đổ, gãy cành sau bão số 3.

Hàng loạt cây xanh ở các khu đô thị bị ngã đổ, gãy cành sau bão số 3.

Thống kê, phân loại cây gãy đổ

Việc đầu tiên cần làm là lập Bảng thống kê số lượng cây ngã đổ theo các tiêu chí để phân loại: Số lượng cây nhỏ có đường kính < 25cm; số lượng cây có đường kính > 25cm; số lượng cây cổ thụ; số lượng cây quý hiếm; số lượng cây cho từng chủng loại cây; số lượng cây cắt bỏ hoàn toàn; số lượng cây có thể bảo dưỡng phục hồi trồng lại.

Các số liệu thống kê này sẽ giúp việc tổ chức xử lý dọn dẹp sau bão lũ và lập lại kế hoạch trồng cây sau này, chọn cây xanh phù hợp với môi trường của từng địa phương, khu vực; đồng thời, phân bổ trồng các cây cổ thụ, cây quý hiếm cho từng vị trí, khu vực thích hợp.

Xử lý cây ngã đổ bằng cách nào?

Việc cắt bỏ, dọn dẹp cây đổ nên chia 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Chỉ cắt cành, chuyển cây, giải phóng các nguy cơ gãy đổ nhà cửa, công trình kiến trúc. Cắt tỉa cành lá, thân cây vừa đủ để không gây cản trở giao thông và sinh hoạt của người dân.

Giai đoạn 2: Phân loại 1 số cây có khả năng bảo dưỡng và trồng lại cần cắt tỉa cành hợp lý, cắt bỏ rễ cây gãy, xơ tước, bó bầu gốc để vận chuyển cây sau này. Những cây không thể trồng lại thì cắt bỏ cả thân cành, gốc rễ và tổ chức thu dọn, vệ sinh mặt bằng. Những cây không ngã đổ chỉ gãy cành, cần cắt bỏ đầu cành xơ gãy và cắt tỉa cành không phù hợp với mô hình lùm tán của cây. Những cây bị nghiêng cần cắt bỏ bớt cành, lá cho gọn và giảm độ thoát nước của lá, sau đó kích, kéo, chống cho cây thẳng lại và vun đất cho gốc chặt, thoát nước. Lập bộ giằng chống chắc chắn lâu dài cho cây.

Phương pháp trồng lại cây ngã đổ

Với cây nhỏ, đường kính thân cây < 25cm chỉ cần cắt cành gãy, thu gọn tán lá và cắt bỏ rễ gãy xơ xước. Dựng thẳng cây và giằng chống giữ cây, lèn đất chặt và thoát nước. Nếu trời nắng nóng có thể dùng lưới nilon đen che phủ cho cây. Chú ý tưới nước cho gốc và cả thân, lá cây trong thời gian đầu.

Trồng lại cây ngã đổ có kích thước lớn, cây cổ thụ, cần cắt tỉa, bó bầu và chuyển đến vườn ươm. Cây nào đã “ốm yếu” thì cần được chăm sóc, bảo dưỡng để cây hồi phục, sau đó trồng lại ở các vị trí phù hợp. Cần xây dựng vườn ươm đủ rộng và có đường giao thông cho xe cẩu, xe chở cây, có đủ các thiết bị xe nâng, xe xúc, hệ thống bơm nước và đường ống nước tưới cây. Tuyệt đối không nên cắt tỉa và trồng cây to ngay tại chỗ vì khó có điều kiện chăm sóc, bảo dưỡng cây sau khi trồng lại, khả năng cây chết rất cao.

Nếu lựa chọn trồng cây mới thay cây đã cắt bỏ nên lựa chọn trồng các chủng loại cây xanh phù hợp với khí hậu môi trường, địa chất ở từng khu vực. Khi trồng cây cần lắp dựng bộ giằng chống đỡ và có chế độ tưới nước, chăm sóc cây từ 6 tháng đến 1 năm, tùy từng loại cây.

Nguyễn Thế Cường
Nghệ nhân SVC Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cach-nao-xu-ly-cay-xanh-nga-do-do-bao-lu-384166.html